Đợt nắng nóng '200 năm mới có một lần': Đông Nam Á bao trùm trong nhiệt độ cao ngất

07/06/2023 - 20:10

Theo hãng CNN, tháng 4 và 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á khi nhiệt độ phá kỷ lục cao nhất trước khi những cơn mưa mang lại cảm giác dễ chịu.

Trong hai tháng này, Việt Nam và Thái Lan hiện là những quốc gia đang trải qua những đợt nắng nóng cao điểm trong khu vực, diễn ra thường xuyên hơn và mang lại cảm giác ngột ngạt hơn – cảm giác như chưa từng thấy từ trước đến nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Theo phân tích dữ liệu thời tiết của nhà khí hậu học và chuyên gia sử học thời tiết Maximiliano Herrera, Thái Lan đã ghi nhận ngày nắng nóng cao nhất trong lịch sử tới 45,5 độ C là 15/4, trong khi Lào ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong hai ngày liên tiếp vào tháng 5. Đặc biệt, nhiệt độ của Việt Nam cũng lập kỷ lục nắng nóng cao điểm vào tháng 5, ghi nhận 44,2 độ C. Ông Herrera mô tả đây là "đợt nắng nóng không hồi kết tàn bạo nhất" kéo dài sang tận tháng 6. Vào ngày 1/6, Việt Nam đã phá kỷ lục về ngày trong tháng 6 nóng nhất lịch sử là 43,8 độ C (111 độ F) trong khi còn tận 29 ngày trong tháng.

Trong một báo cáo gần đây của World Weather Attribution (WWA), liên minh các nhà khoa học quốc tế cho biết đợt nắng nóng tháng 4 ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra. Hiện tượng "nóng như thiêu như đốt" ở Đông Nam Á thậm chí còn trở nên khó chịu và nguy hiểm hơn do độ ẩm cao.

Độ ẩm cao gây ra tình trạng cực kỳ khó chịu và biến đổi khí hậu có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn

Độ ẩm cao cùng với nhiệt độ khắc nghiệt khiến cơ thể càng khó tự hạ nhiệt. Các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao, chẳng hạn như say nắng và kiệt sức vì nóng, các triệu chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tim và các vấn đề về thận, tiểu đường và người mang thai.

"Khi độ ẩm xung quanh rất cao, cơ thể sẽ tiếp tục đổ mồ hôi để cố gắng giải phóng độ ẩm tự làm mát, nhưng do mồ hôi không bay hơi được nên cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, và trong trường hợp cấp tính có thể dẫn đến say nắng và tử vong. Đó là lý do tại sao một đợt nắng nóng ẩm ướt nguy hiểm hơn một đợt nắng nóng khô," Mariam Zachariah, Cộng tác viên nghiên cứu về phân bổ gần thời gian thực cho các sự kiện cực đoan đối với biến đổi khí hậu tại sáng kiến Phân bổ thời tiết thế giới tại Đại học Hoàng gia London cho biết.

Phân tích của CNN về dữ liệu của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho thấy từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, tất cả 6 quốc gia ở phần lục địa của Đông Nam Á đã đạt đến nhiệt độ gần 40 độ C (104 độ F) trở lên mỗi ngày, trên ngưỡng được coi là nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người không quen với nhiệt độ quá cao.

Ở Thái Lan, 20 ngày trong tháng 4 và ít nhất 10 ngày trong tháng 5 ghi nhận nhiệt độ gần như trên 46 độ C (115 độ F). Ở cấp độ này, căng thẳng nhiệt trở nên "cực độ" và được coi là đe dọa tính mạng đối với bất kỳ ai, kể cả những người khỏe mạnh đã quen với nhiệt độ cực ẩm.

Trong khi đó, vào tháng 4 và 5, Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia đều có vài ngày có khả năng gây ra tình trạng nắng nóng cực độ. Myanmar có 12 ngày như vậy – cho đến khi Bão Mocha đổ bổ vào nước này, kèm theo đó là mức độ tàn phá nặng nề vào ngày 14/5. Trong báo cáo của World Weather Attribution cho biết, đợt nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 5 ở Đông Nam Á đã gây ra tình trạng nhập viện trên diện rộng, làm hư hỏng đường sá, gây ra hỏa hoạn và khiến trường học phải đóng cửa. Nghiên cứu cũng cho thấy, do biến đổi khí hậu nên nhiệt độ cảm nhận được nóng hơn 2 độ C so với nhiệt độ có thể xảy ra. Hiện tượng nóng lên toàn cầu một phần do ô nhiễm gây ra.

"Khi bầu khí quyển trở nên ấm hơn, khả năng giữ ẩm trở nên cao hơn và do đó khả năng xảy ra các đợt nóng ẩm cũng tăng lên", ông Zachariah, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.

Theo nghiên cứu, nếu sự nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng lên 2 độ C (3,6 độ F) thì những đợt nóng ẩm như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần. Và nếu lượng khí thải tiếp tục tăng với tốc độ tương tự, Thái Lan sẽ đối mặt với 30 ca tử vong/ 1 triệu người do nắng nóng trong hai thập kỷ tới và ước tính 130 ca tử vong/ 1 triệu người vào cuối thế kỷ này. Đối với Myanmar, con số đó sẽ lần lượt là 30 và 520 người tử vong/1 triệu người trong khi Campuchia là 40 và 270.

Đối tượng chịu rủi ro cao nhất

Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ gây ra sự bất bình đẳng theo hệ thống.

"Nghề nghiệp, tuổi tác, tình trạng sức khỏe và khuyết tật, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tình trạng kinh tế xã hội, thậm chí cả giới tính – đây đều là những yếu tố có thể khiến con người ít nhiều dễ bị tổn thương trước nắng nóng khắc nghiệt", Chaya Vaddhanaphuti, một trong những tác giả của báo cáo WWA cho biết.

Những người thiệt thòi trong xã hội, không thể tiếp cận đầy đủ với hệ thống chăm sóc sức khỏe và làm mát, những người làm công việc tiếp xúc với điều kiện cực nóng và ẩm ướt có nguy cơ chịu áp lực nhiều nhất.

Emmanuel Raju, tác giả và là Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Thảm họa Copenhagen cho rằng điều quan trọng là phải nói về việc ai có thể thích nghi, ai có thể ứng phó và ai có đủ nguồn lực để làm điều này.

Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 60% người lao động ở Đông Nam Á làm việc trong khu vực phi chính thức và hơn 80% ở Campuchia và Myanmar. Vào cuối tháng 4, cơ quan y tế Thái Lan đã đưa ra cảnh báo nhiệt độ cực cao cho thủ đô Bangkok và một số nơi khác trên cả nước, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và đề phòng nguy cơ say nắng. Tuy nhiên đối với những người lao động nhập cư như Supot Klongsap, có biệt danh là "Nui"sẽ khó có thể đảm bảo cuộc sống.

Ông Nui đã ngủ tại công trường, cho biết thậm chí có những đêm không thể chịu nổi. Nước chảy ra từ đường ống ngay cả vào ban đêm vẫn rất nóng như được đun sôi. Thật khó để tìm thấy sự thoải mái.

Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy những người làm việc ngoài trời ở các nước đang phát triển sẽ phải chịu đựng nhiệt độ cao hơn so với những người làm việc trong nhà. Vì vậy sẽ xảy ra nguy cơ mất nước cao gấp 2 đến 3 lần, dẫn đến khả năng suy giảm chức năng thận và các tình trạng liên quan khác cao hơn.

Các chuyên gia khí hậu cho rằng, nếu không có cách tiếp cận quốc tế toàn diện để nhanh chóng giảm ô nhiễm do hành tinh nóng lên và giải quyết các tác động liên kết với nhau gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan đối với cá nhân, cộng đồng và môi trường thì chi phí kinh tế và sức khỏe do nắng nóng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi khủng hoảng khí hậu diễn ra./.

Theo HỒNG NHUNG (Báo Điện Tử Tổ Quốc)