Đột phá phát triển kinh tế An Giang

01/12/2020 - 07:13

 - Mục tiêu của An Giang là đến năm 2025 nằm trong nhóm đầu phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Mục tiêu xa hơn là có mức phát triển cao hơn trung bình cả nước. 10 năm tới, thời cơ mở ra nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ. Yêu cầu đặt ra là không chỉ phát triển kinh tế nhanh mà còn phải bền vững, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thu hút đầu tư mạnh mẽ

Giai đoạn 2016-2020, do điều kiện khách quan và chủ quan, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,25%, tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra (tăng trưởng 7%/năm) nhưng cao hơn giai đoạn 2011-2015 (đạt 5,07%) và được xem là phù hợp với nguồn lực của địa phương. Quy mô GRDP năm 2020 của An Giang đạt 89.362 tỷ đồng (năm 2015 đạt 60.467 tỷ đồng), đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Dù tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng nhưng đời sống người dân đã không ngừng cải thiện (GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tăng gần 16 triệu đồng so năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,45% (đầu năm 2016) xuống còn 1,93% (năm 2020); quốc phòng - an ninh được giữ vững, tổ chức bộ máy hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả…

Nông nghiệp là nền tảng của kinh tế An Giang

Những năm qua, An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Kết quả này có được nhờ công tác cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư có sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao uy tín và hình ảnh thân thiện, năng động của An Giang trong mắt nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, giai đoạn 2016-2020, có thêm 3.309 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 20.500 tỷ đồng (tăng 34,43% so giai đoạn 2011-2015), trong khi chỉ có 624 DN giải thể (giảm 6,58%). Hiện nay, có 5.825 DN còn hoạt động và có kê khai thuế, tổng vốn đăng ký 54.877 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, An Giang đã thu hút 353 dự án (DA) đăng ký đầu tư mới (so giai đoạn 2011-2015, tăng 141 DA), bao gồm 9 DA đầu tư trực tiếp nước ngoài và 344 DA đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 79.572 tỷ đồng (tăng 51.595 tỷ đồng). Riêng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, có 26 DA đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký 27.658 tỷ đồng. Đến nay, đã có 2 DA hoàn thành, đưa vào hoạt động; 7 DA đã hoàn thành một phần hoặc toàn bộ thủ tục đất đai, quy hoạch, xin phép xây dựng và đang tiến hành xây dựng; 2 DA đã hoàn thành công tác tạo quỹ đất, đang làm thủ tục đất đai và xin phép xây dựng; 9 DA đang bồi hoàn và triển khai các thủ tục phê duyệt thiết kế, xin phép xây dựng, môi trường, đất đai; chỉ có 3 DA chậm triển khai do khó khăn về nguồn vốn và 1 DA đã chấm dứt hoạt động.

Thế và lực mới

Trong xu thế hội nhập, An Giang đứng trước nhiều thời cơ mới khi tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia đường bộ và đường thủy, là cửa ngõ của trục Đông - Tây thông thương giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu. Việt Nam vừa tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... Đây là cơ hội để các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp cận thị trường mới, gia tăng giá trị.

An Giang được xác định là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực ĐBSCL, được hưởng những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm của Chính phủ. Cùng với cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư cải thiện, việc đưa vào sử dụng công trình cầu Vàm Cống có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành du lịch và dịch vụ của tỉnh.

Quyết tâm đưa kinh tế An Giang vào nhóm đầu ĐBSCL

Về thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, cũng có nhiều triển vọng phát triển hơn khi giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Những hoạt động cải cách, tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu có chuyển biến tích cực. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai gần 5 năm qua bắt đầu có hiệu ứng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, giai đoạn 2021-2025, An Giang xác định phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Trong đó, nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.

Để tạo đột phá trong phát triển, An Giang tập trung khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Đồng thời, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Song song đó, tỉnh cũng ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến.

Với chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2016-2020) từ 6,5-7%, An Giang không chủ trương chạy đua tăng trưởng “nóng” mà đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người từ 70,5-72,2 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.563-2.626 USD/người/năm). Đến năm 2025, phấn đấu đưa kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.

Phát triển kinh tế - xã hội của An Giang được đặt trong sự tương tác với các vùng, miền cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL. Tỉnh tăng cường phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN