Dự án bảo vệ quyền lợi trẻ em, thanh thiếu niên LGBT

23/11/2020 - 06:36

 - Tổ chức Vì sự đa dạng giới Na Uy (FRI) vừa thông qua Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (SCI) hợp tác với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án “Quản trị Quyền trẻ em - Trẻ em và thanh, thiếu niên LGBT tại Việt Nam được tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội” tại tỉnh An Giang, với mong muốn hỗ trợ trẻ em và thanh, thiếu niên LGBT tại ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng hiểu rõ và bảo vệ các quyền của họ một cách hiệu quả. Đồng thời, giúp trẻ em và thanh, thiếu niên LGBT tiếp cận các dịch vụ xã hội, y tế, tư vấn nghề nghiệp, giáo dục, hành chính công một cách thân thiện và không bị kỳ thị.

Theo anh Trần Kim Hoàng, Trưởng dự án khu vực ĐBSCL, hoàn cảnh của trẻ em và thanh, thiếu niên đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam là một vấn đề đáng quan tâm. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE), khoảng 1,65 triệu người ở Việt Nam là LGBT, với 3% dân số từ 15 - 59 tuổi là LGBT.

Điều này tương đương với khoảng 600.000 thanh niên tuổi từ 15 - 24 ở Việt Nam nhận dạng bản thân là LGBT. Có khoảng 600.000 thanh, thiếu niên cùng với trẻ em LGBT bị phân biệt đối xử ở gia đình, cộng đồng. Các vấn đề họ đối mặt gồm nguy cơ căng thẳng tinh thần, vô gia cư, nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, bạo lực và đói nghèo. Những số liệu thống kê trên cho thấy, thanh, thiếu niên LGBT ở Việt Nam bị xa lánh, gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống hàng ngày, bị tổn hại thể chất và tinh thần, lạm dụng, kỳ thị và phân biệt đối xử.

Ngoài ra, thanh niên trong nhóm này có kinh nghiệm làm việc hoặc tài năng nhưng lại thiếu tự tin, chuyên môn và kiến thức, thiếu mạng lưới hỗ trợ và hướng dẫn cần thiết để theo đuổi các cơ hội. Nhóm này có cảm giác tủi thân, sự bất ổn tình cảm và cảm giác thấp kém. Những yếu tố này, cùng với việc thiếu giấy tờ pháp lý và giấy chứng minh làm họ không thể tiếp cận được hầu hết các công việc và nhà ở.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân sâu xa kéo dài tình trạng nghèo trong cộng đồng LGBT. Do vậy, kết quả mong muốn của dự án là giúp đỡ cải thiện năng lực của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên dễ bị tổn thương khỏi sự phân biệt đối xử. Đồng thời, thiết lập thí điểm một sự can thiệp dựa trên cộng đồng tại 2 điểm (TP.  Hồ Chí Minh và An Giang) để giảm bớt sự phân biệt đối xử mà đối tượng là trẻ em có mức độ dễ bị tổn thương cao do những khác biệt về giới tính và tình trạng nhiễm HIV của các em.

Tình nguyện viên tham gia dự án và các đại diện cộng đồng LGBT An Giang

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội An Giang, dự án “Quản trị Quyền trẻ em - Trẻ em và thanh, thiếu niên LGBT tại Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội” do Tổ chức Vì sự đa dạng giới Na Uy (FRI) tài trợ thông qua Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (SCI) với nguồn vốn thực hiện dự án giai đoạn 2020-2021 trên 3,5 tỷ đồng, trong thời gian hơn 1 năm (từ tháng 11-2020 đến tháng 12-2021).

Dự án nhằm hỗ trợ trẻ em và thanh, thiếu niên LGBT được tham gia đầy đủ xã hội, với sự tiếp cận bình đẳng giới với giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở và tham gia chính trị, với mục tiêu đem lại lợi ích trực tiếp cho ít nhất 800 thanh, thiếu niên LGBT và hơn 3000 học sinh, sinh viên trong các trường học tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và An Giang. Hơn 650 giáo viên, chuyên gia công tác xã hội, nhân viên chăm sóc sức khỏe, cán bộ nhà nước và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể sẽ hưởng lợi trực tiếp từ dự án này. Ngoài ra, thông qua các hoạt động của dự án, gia đình của thanh thiếu niên LGBT, những thanh, thiếu niên LGBT ở ngoài cộng đồng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ những kết quả của dự án.

Bạn Trần Hoàng Giang, đại diện cộng đồng LGBT tại An Giang rất phấn khởi với dự án: “Chúng tôi rất mong được xã hội nhìn nhận đầy đủ về các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi rất mong thông qua dự án, sẽ có nhiều thêm các buổi tập huấn để nâng cao năng lực, nâng cao sức khỏe tinh thần cho các bạn trong cộng đồng LGBT An Giang và hơn hết xã hội sẽ không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người LGBT. Từ đó, giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục - y tế, văn hóa - xã hội…”

NGỌC GIANG