Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Tâm.
Lãi suất đã giảm thấp nhất trong vòng 20 năm
Phóng viên: Bà nhận định thế nào về diễn biến của lãi suất trong năm 2023 trong mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phục hồi kinh tế?
Bà Lê Thanh Tâm: Trong năm 2023, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, tuy vậy, về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần liên tục giảm các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Chính sách này đối ngược với chính sách lãi suất tăng và neo cao của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng lại rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng có 4 văn bản chỉ đạo và họp với các ngân hàng thương mại yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm tối thiểu 1,5-2%/năm).
Do đó năm 2023, lãi suất đã giảm thấp nhất trong vòng 20 năm qua, đặc biệt là lãi suất tiền gửi và các khoản cho vay mới. Tuy nhiên, mức giảm của lãi suất cho vay vẫn tương đối ít so với mức giảm của lãi suất huy động trong năm 2023.
Trong giai đoạn tổng cầu suy giảm như hiện nay, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa, cụ thể là chính sách tài khóa nghịch chu kỳ và giảm dần vai trò của chính sách tiền tệ . Nếu chính sách tiền tệ gia tăng trong giai đoạn hiện nay cũng không có nhiều phản ứng của thị trường mà có thể gây rủi ro bất ổn vĩ mô và tài chính, vì vậy, cần rất thận trọng với việc tiếp tục hạ lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, phía ngân hàng có thể cần giảm tiếp lãi suất cho vay (từ 0,5-1%) để tín dụng có thể tăng ở mức 15% nếu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và chấp nhận giảm thu nhập.
Phóng viên: Theo bà, biến động về tỷ giá trong năm 2023 đã tác động thế nào đến việc điều hành chính sách và tác động đến nền kinh tế?
Bà Lê Thanh Tâm: Trong sáu tháng đầu năm 2023, chỉ số USD đi ngang thay vì tăng mạnh như năm 2022 nhưng nửa cuối năm 2023, VND chịu áp lực mất giá và cả năm VND mất giá 4,25%.
VND mất giá theo xu hướng chung nhưng mức độ mất giá thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực (5,56% Tân Đài tệ của Đài Loan (Trung Quốc), 8,55% so với Ringgit của Malaysia, 6,77% đối với Won của Hàn Quốc, 6,09% đối với Nhân dân tệ của Trung Quốc và 14,43% Yên của Nhật Bản).
Ngân hàng nhà nước đã thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt, cả tăng và giảm, phù hợp với sự biến động của thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại tệ ; điều chỉnh tỷ giá trung tâm, tăng cường hút ròng tín phiếu, đẩy lãi suất trúng thầu lên cao nhằm cải thiện chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, hỗ trợ giảm áp lực lên tỷ giá trong các giai đoạn tỷ giá chịu áp lực tăng mạnh.
Cùng với đó, Ngân hàng nhà nước cũng mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước (theo tính toán khoảng 6 tỷ USD) đưa dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức gần 100 tỷ USD, giúp Việt Nam thăng hạng lên BB+.
Tình trạng USD hóa trong nền kinh tế tiếp tục xu hướng giảm dần, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và nhiều khả năng đạt mục tiêu dưới 5% vào năm 2030, tạo điều kiện tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ, khắc phục tình trạng USD hóa trong nền kinh tế.
Dự báo tỷ giá tăng nhưng trong tầm kiểm soát
Phóng viên: Bà dự báo thế nào về xu hướng lãi suất, tỷ giá trong thời gian tới?
Bà Lê Thanh Tâm: Dự báo trong những quý còn lại của năm, lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm chậm, trong khi lãi suất huy động một số kỳ hạn sẽ có xu hướng gia tăng.
Lý do lãi suất cho vay có xu hướng giảm chậm là hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 1628/NHNN-CSTT trước ngày 1/4/2024. Do vậy, các khách hàng vay vốn có cơ sở để so sánh và thỏa thuận với ngân hàng, mặc dù lãi suất với từng khách hàng vay khác nhau do phần bù rủi ro khác nhau;
Lý do khác là tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều khách hàng đang khó khăn, khó có thể vay với lãi suất cao mà vẫn có lãi…
Tuy nhiên, lãi suất huy động một số kỳ hạn có xu hướng gia tăng ở mức nhất định, đặc biệt với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm vì mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã tương đối thấp. Trong khi đó, giá vàng, bất động sản, ngoại tệ đang tăng cao, một số khách hàng đã rút tiết kiệm để chuyển sang các tài sản trên;
Lạm phát có nguy cơ tăng lên, trong bối cảnh lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024. Do đó, nếu lãi suất huy động ở mức quá thấp, lãi suất thực có thể bị âm, gây tác động ngược tới người dân và nền kinh tế;
Các ngân hàng thương mại vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tiền gửi, trong khi các kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu, đi vay trên thị trường liên ngân hàng, đi vay quốc tế còn tương đối hạn chế. Nhưng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi thanh toán, tiền gửi của doanh nghiệp, tiết kiệm dài hạn có thể sẽ không thay đổi.
Về tỷ giá, dự báo sẽ có xu hướng tiếp tục tăng nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát của ngân hàng Nhà nước. Cơ sở để đưa ra dự báo này là rủi ro địa chính trị toàn cầu, với xung đột ở các điểm nóng trên thế giới chưa có xu hướng hạ nhiệt, thậm chí một số nơi còn bùng phát mạnh mẽ như Trung Đông, Biển Đỏ, khiến giá vàng, giá dầu có xu hướng tăng mạnh; chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, giá cả hàng hóa dịch vụ có xu hướng tăng cao, gây ra rủi ro lạm phát.
Lãi suất của Mỹ và châu Âu có thể không giảm nhanh, lãi suất của Fed trong quý II/2024 vẫn chưa giảm nên việc Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với áp lực tăng tỷ giá USD/VND là điều khó tránh khỏi.
Hơn nữa, mức nợ công của các quốc gia phát triển như Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu cao kỷ lục, tạo áp lực tài chính và rủi ro cho ổn định kinh tế; tổng cầu trên thế giới và cả Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, dự báo tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới và tại Việt Nam năm 2024 mặc dù kỳ vọng cao hơn 2023, nhưng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch Covid-19.
Phóng viên: Trong bối cảnh đó, giải pháp cần thực hiện là gì trong điều hành lãi suất, tỷ giá để hài hòa được các mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?
Bà Lê Thanh Tâm: Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục theo dõi việc thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại để tăng minh bạch cho thị trường tín dụng, bảo vệ khách hàng. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức tín dụng đa dạng nguồn vốn hoạt động, đặc biệt là các nguồn vốn trung dài hạn.
Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục duy trì cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định và phù hợp với diễn biến của thị trường. Thường xuyên cập nhật, can thiệp tỷ giá trên cả hai chiều nhằm hấp thu hiệu quả các cú sốc bên ngoài;
Giải pháp quan trọng khác là củng cố dự trữ ngoại hối, tiếp tục đa dạng hóa rổ tiền tệ, giảm dần sự phụ thuộc chỉ vào đồng USD; tăng cường giám sát vĩ mô và vi mô đối với các tổ chức tín dụng để bảo đảm sự phát triển an toàn bền vững của cả hệ thống.
Các ngân hàng thương mại cần quản lý chi phí hiệu quả, quản lý nợ xấu tốt để giảm chi phí, giảm lãi ở mức cao nhất cho khách hàng vay vốn; tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để vừa tăng nền khách hàng, vừa giảm lãi suất bình quân đầu vào, là cơ sở cho giảm lãi suất đầu ra; tăng cường ứng dụng công nghệ trong cho vay online, đánh giá xếp hạng khách hàng, giám sát khách hàng, từ đó giảm chi phí cho vay bình quân.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo TÔ HÀ (Báo Nhân Dân)