Khách nội địa đóng vai trò chủ đạo
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, từ ngày 14/10, thành phố Hà Nội cho phép một số hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại như bảo tàng, công viên, cơ sở lưu trú, nên hoạt động du lịch đã được khởi động trở lại. Chỉ trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 18-10), Công viên Thủ Lệ đã đón 2,5 nghìn lượt khách tham quan, Vườn quốc gia Ba Vì đón khoảng 500 lượt khách, khu du lịch Tản Đà đón khoảng 200 lượt khách...
Ước tính, tháng 10/2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ bao gồm khách du lịch nội địa, với khoảng 5.000 lượt khách, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 14 tỷ đồng, giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính tổng 10 tháng của năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ bao gồm khách du lịch nội địa với 2,92 triệu lượt khách, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,18 nghìn tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.
Các em nhỏ tham gia tour "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội".
Tính cả năm 2021, Hà Nội ước đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36% kế hoạch đề ra từ đầu năm). Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020 và bằng 23% kế hoạch đề ra).
Nhiều sản phẩm độc đáo
Xác định chung sống an toàn, thích ứng linh hoạt với COVID-19, từ nhiều tháng qua, Hà Nội đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới tập trung thu hút khách du lịch nội địa như: Tour du lịch đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học, tour du lịch trải nghiệm "Đêm thiêng liêng" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò...
Trước đó, ngày 22/10, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội và Công ty lữ hành Hanoitourist tổ chức khảo sát các điểm di tích, di sản quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội nhằm đánh giá tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội, từ đó hình thành những sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô, hậu làn sóng COVID-19 lần thứ 4.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, trong thời gian tới, HPA sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng sản phẩm cũng như đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các sản phẩm, điểm đến trong khu phố cổ Hà Nội và khu hồ Hoàn Kiếm đến đông đảo du khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ông Hữu Việt nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là các đơn vị điểm đến thuộc khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm cần kết nối mật thiết với doanh nghiệp lữ hành để tạo thêm nhiều tuyến tham quan hấp dẫn cũng như tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để thu hút du khách”.
Song song với công tác bảo đảm an toàn, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố đã khởi động các sản phẩm du lịch trong tình hình mới. Các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Mới đây nhất, ngày 23-10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) khai trương tour du lịch "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội". Đây là tour du lịch đầu tiên của Hà Nội được khởi động lại sau làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 với phương châm "du lịch an toàn" trong trạng thái bình thường mới.
Theo ban tổ chức, buổi khai trương tour "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" có khoảng 60 người với nhiều độ tuổi, trong đó phần lớn là trẻ em, được chia làm 6 đoàn nhỏ. Để bảo đảm an toàn và theo quy định trong giai đoạn hiện nay, mỗi đoàn tour không quá 10 thành viên, các đoàn sẽ giữ khoảng cách và không tiếp xúc với nhau theo phương châm "không chạm".
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, sự vào cuộc chủ động của các cơ quan quản lý du lịch, các công ty lữ hành Hà Nội đã mang lại hy vọng hồi sinh cho ngành du lịch Thủ đô.
Theo HẢI HÀ (Báo Nhân Dân)