Du lịch “không chạm” - hướng mở cho ngành du lịch

20/12/2021 - 05:50

 - Dịch bệnh COVID-19 đã lấy đi gần như toàn bộ thành quả mà các doanh nghiệp du lịch (DL) gầy dựng trong hàng chục năm qua. Việc bao phủ vaccine là yếu tố quan trọng để dần phục hồi ngành "công nghiệp không khói". Trước mắt, có thể triển khai mô hình DL “không chạm” để thích ứng dần.

Hoạt động trong khó khăn

Vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Du lịch An Giang, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư du lịch Helen Phan, ông Phan Phạm Cảnh Toàn cho rằng, trải qua 4 đợt dịch COVID-19, DL được xem là ngành chịu tác động nặng nề nhất. “Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ từng chia sẻ rằng, đại dịch đã lấy đi toàn bộ những thành quả của Vietravel trong 20 năm qua. Các chuyên gia DL nhận định, nếu có phục hồi thì 5-10 năm sau, DL mới trở lại bằng thời kỳ 2019. Tại An Giang, ngoài dịch vụ lưu trú còn gắng gượng, các dịch vụ lữ hành, điểm đến gần như bế tắc” - ông Toàn nhận định.

Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, khách sạn Helen Ngọc Giang của Công ty Đầu tư du lịch Helen Phan (đường Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) vẫn duy trì được hoạt động tương đối, dù lượng khách giảm nhiều so với trước. Cách làm của khách sạn Helen Ngọc Giang là áp dụng mô hình “không chạm” giữa nhân viên và khách lưu trú.

“Khách sạn đã liên hệ, nhờ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang (CDC An Giang) hỗ trợ, hướng dẫn quy trình phòng dịch đạt chuẩn. Nhân viên được tạo điều kiện tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Khách đặt phòng qua Zalo, điện thoại. Quầy lễ tân của khách sạn được giăng dây để tạo khoảng cách an toàn giữa khách và nhân viên. Việc trao đổi giấy tờ, chìa khóa phòng, thanh toán tiền phòng, dịch vụ… đều qua vùng đệm an toàn. Trong suốt quá trình lưu trú, khách không tiếp xúc với nhân viên. Thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm, quần áo giặt ủi… mà khách yêu cầu đều được để ở chiếc bàn trước cửa phòng, khách tự lấy vào phục vụ. Việc trao đổi thông tin đều thực hiện qua điện thoại. Sau khi khách rời đi, phòng khách sạn lập tức được vệ sinh, khử khuẩn” - ông Toàn chia sẻ.

Tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm trong rừng tràm Tân Tuyến

Từ mô hình “không chạm” của khách sạn Helen Ngọc Giang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch An Giang Phan Phạm Cảnh Toàn đề xuất áp dụng “không chạm” cho các dịch vụ lữ hành, điểm dừng chân, khu DL, dịch vụ lưu trú, nhằm từng bước phục hồi ngành DL An Giang. “Cơ sở quan trọng để phục hồi DL là tỷ lệ tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19 ở An Giang cũng như cả nước đạt cao. Trong khi đó, hầu hết các địa phương trong nước đều đang ở cấp độ dịch 1 (vùng xanh, bình thường mới) hoặc cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ thấp), tạo thuận lợi trong việc đưa khách qua lại các địa phương” - ông Toàn nhấn mạnh.

Khai thác thêm các loại hình du lịch mới

Theo ông Phan Phạm Cảnh Toàn, mô hình DL “không chạm” có nghĩa là khi triển khai các dịch vụ vận chuyển, nghỉ chân, lưu trú, tham quan, ăn uống, du khách đều không tiếp xúc trực tiếp với người địa phương, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. “Tỉnh An Giang cần trao đổi, thống nhất với các tỉnh, thành phố là ở cấp độ dịch nào thì được đưa khách qua lại giữa các địa phương; quy định xét nghiệm COVID-19 như thế nào. Phương tiện chở du khách được dừng ở những điểm dừng chân, điểm ăn được đặt trước. Các điểm ăn phục vụ riêng từng đoàn khách, thức ăn được chuẩn bị sẵn để khách tự chọn, tự ăn, tự phục vụ. Đoàn khách nào ăn xong là di chuyển ngay; việc thanh toán tiền qua ứng dụng ngân hàng, ví thanh toán điện tử. Ở các điểm đến DL, chủ yếu để khách tự do khám phá hoặc qua hướng dẫn viên của đoàn. Khách muốn sử dụng các dịch vụ, mua đặc sản, quà lưu niệm, có thể áp dụng hình thức thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt” - ông Toàn gợi ý thêm.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch An Giang, mô hình DL “không chạm” thực chất là áp dụng thông điệp “5K” nâng cao trong quy trình phục vụ. Mô hình giúp từng bước phục hồi ngành DL An Giang mà vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. “Các cơ quan quản lý nhà nước cùng với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp DL cùng thống nhất đưa ra các tiêu chí phục vụ “không chạm”, tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị, nhân viên cùng thực hiện. Điều quan trọng là các địa phương cần thống nhất quy định, cách làm để doanh nghiệp DL dễ thực hiện” - ông Toàn đặt yêu cầu.

Bên cạnh các loại hình DL truyền thống, có thể áp dụng DL “không chạm” cho những mô hình DL mới, như: DL dã ngoại, DL tự khám phá, DL trải nghiệm thiên nhiên… “An Giang có nhiều lợi thế, cảnh đẹp thiên nhiên mà nơi khác không có được, đặc biệt là vùng Bảy Núi và các khu rừng tràm rộng lớn.

Điển hình như ở rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), có thể phát triển loại hình cắm trại dã ngoại qua đêm, trải nghiệm các loại hình, như: Đặt rập bắt chuột, đổ trúm lươn, giăng lưới, câu cá… rồi tự thưởng thức chiến lợi phẩm của mình. Đơn vị quản lý ở những điểm trải nghiệm này có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn cho du khách; thiết kế các dịch vụ, chế biến đặc sản, phục vụ thức ăn, nước uống, cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu du khách, còn lại để cho khách tự trải nghiệm, phục vụ” - anh Nguyễn Phước Thiện (thường gọi Thiện Mekong), người tổ chức đưa nhiều đoàn khách đến An Giang DL theo hình thức trải nghiệm chia sẻ.

NGÔ CHUẨN