Đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định, xu hướng du lịch của người dân đã thay đổi sau 2 năm đại dịch. Khách có thể đi chơi xa bất cứ mùa nào hay ngày nào trong tuần khiến ranh giới giữa mùa cao điểm và thấp điểm không còn rõ ràng.
Du lịch không "ngủ đông"
Trả lời VTC News, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour cho biết, lượng khách hỏi tour du lịch thời điểm tháng 9, 10 và 11 vẫn đông, vì thế những tháng tới dự kiến lượng du khách trên thị trường vẫn sẽ rất tấp nập, mặc dù không được như cao điểm hè vừa qua.
Ông Dũng cũng tự tin rằng, dịp cuối năm trùng với thời gian các doanh nghiệp tổ chức những hội nghị tổng kết, vì thế phần lớn sẽ cho nhân viên đi nghỉ kết hợp tổng kết cuối năm. Ngoài ra, nhiều khách có tâm lý lựa chọn du lịch sau mùa cao điểm. "Những tháng cuối năm, du lịch không sợ ảm đạm hay ngủ đông", ông Dũng khẳng định.
Doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng vẫn khởi sắc dịp cuối năm. (Ảnh minh họa)
Ngoài việc lượng khách nội địa vẫn đông đúc, ông Dũng còn cho rằng các doanh nghiệp lữ hành cũng đang rất kỳ vọng vào sự trở lại của du khách quốc tế.
“Ngày 24/9 tới đây, công ty tôi sẽ đón đoàn khách châu Âu đầu tiên quay trở lại Việt Nam. Mặc dù so với thời điểm trước dịch, lượng khách quốc tế đổ vào nước ta thời điểm này vẫn rất khiêm tốn nhưng đó đã là tín hiệu rất đáng mừng rồi”, ông Dũng thông tin.
Tổng Giám đốc Fiditour cũng cho biết thêm, tháng 9 thường vẫn chưa phải thời điểm lý tưởng của khách quốc tế mà phải là từ cuối tháng 10 trở đi. Vì thế, hiện tại có thể kỳ vọng lượng khách này sẽ quay trở lại đông đúc nếu chúng ta có những chính sách thông thoáng.
Chung nhận định, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel cho biết bản thân hiện tại đang cùng công ty dẫn đoàn đi châu Âu. Sau chuyến đi này, công ty ông sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho giai đoạn du lịch cuối năm được đánh giá vẫn rất đông đúc.
Nhận định về những lợi thế của du lịch Việt Nam sẽ thu hút du khách nước ngoài trong giai đoạn mùa đông, ông Nghĩa phân tích: “Việt Nam chúng ta có lợi thế về bờ biển dài, nhiều dãy núi cao hùng vĩ, bên cạnh đó mùa đông có khí hậu nhiệt đới ấm áp. Với những khách châu Âu, mùa đông của họ rất khắc nghiệt, vì thế Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung là một trong những điểm đến lý tưởng để họ đi tránh rét, né đông”.
Cần chính sách thông thoáng
Trong tâm lý mong chờ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam trong những tháng cuối năm, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng chúng ta cần những chính sách cởi mở hơn để tận dụng thời cơ và thu hút du khách.
Ông Trần Thế Dũng cho rằng chính sách visa của Việt Nam hiện nay vẫn là một trong những trở ngại lớn khiến khách du lịch chưa lựa chọn nước ta làm điểm đến. Cụ thể, hiện tại Việt Nam chưa khôi phục visa cửa khẩu cho khách quốc tế, trước đây du khách chỉ cần đăng ký online và nhận visa tại cửa khẩu thì hiện nay du khách sẽ phải làm visa thông qua đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam chỉ miễn thị thực cho một số nước với thời hạn 14 ngày và không được gia hạn khiến khách quốc tế muốn du lịch dài ngày chưa thể chọn Việt Nam.
“So với những nước trong khu vực, họ miễn thị thực cho cả gần 100 quốc gia khác nhau, họ dễ dàng gia hạn visa dù đã cấp tới 30 ngày. Việt Nam chỉ cấp có 14 ngày và không cho gia hạn, khách muốn gia hạn phải đi ra rồi lại vào lại, rất bất tiện. Chính sách này khiến Việt Nam đang bị chậm lại trong cuộc cạnh tranh với những thị trường trong khu vực”, ông Dũng phân tích.
Lãnh đạo một công ty lữ hành tại Hà Nội cũng nhận định, chỉ cần nhìn vào lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ thời điểm mở cửa 15/3 đến nay chưa đạt được như kỳ vọng là có thể nhận thấy vẫn có những bất cập cản trở họ.
“Chính sách visa là rõ ràng rồi, danh sách những nước được miễn thị thực của chúng ta quá khiêm tốn so với những nước khác như Thái Lan, Indonesia...đã thế lại chỉ được vào Việt Nam ít ngày. Mình mở cửa nhưng chính sách chưa thông thoáng vẫn mang tính chất thăm dò, chính vì vậy mà bị mất lượng khách khá lớn là những người đi du lịch dài ngày. Lượng khách đó chủ yếu tới từ châu Âu, Mỹ là những thị trường khách chi tiêu cao mà mình lại không chú trọng thì mình sẽ mất thị phần đó”, vị này nêu quan điểm.
Theo THÀNH LÂM (VTC News)