.jpg)
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu ngày 21/2. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
“Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, dòng tiền lưu thông được hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng thị trường BĐS năm 2025 vẫn được một số chuyên gia dự báo chưa thể có sự đột phá do còn nhiều vướng mắc cần được các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ sớm, nhất là vấn đề xác định giá đất. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dù luật đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhưng cơ chế định giá đất vẫn chưa được định hình rõ ràng, việc thực thi ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập.
Tính đến tháng 1/2025, có khoảng 25 tỉnh, thành phó công bố bảng giá đất mới. Tuy nhiên, do cơ cấu tính giá đất, cộng với yếu tố đầu vào không đầy đủ dẫn đến giá đất tăng cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp mất 1 - 2 năm vẫn không tính được giá đất, làm chậm các dự án mới.
Để khơi thông dòng vốn tín dụng trong lĩnh vực BĐS, mới đây Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị: Chính phủ và các cơ quan liên quan cần ban hành các văn bản nhanh chóng tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho dự án BĐS, giải phóng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các phân khúc tiềm năng, tạo ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng mới cho cả khách hàng bán buôn và bán lẻ.
“Chính phủ nhanh chóng phân định các đầu mối với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng tại các bộ, ngành sau khi sắp xếp, tinh giản theo tinh thần Nghị quyết 18, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi liên hệ công tác, hạn chế khả năng xảy ra tình trạng ùn tắc công việc do chậm xác định được bộ phận, đầu mối xử lý”, ông Nguyễn Thanh Tùng đề xuất.
Đề cập về quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc góp phần đạt được tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế diễn ra ngày 21/2, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Phía NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Năm 2025, NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để chủ động. NHNN cũng căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5 - 5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn hoặc cao hơn, để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Để tín dụng có thể tăng trưởng như chỉ tiêu đề ra và có thể điều chỉnh, tất cả các giải pháp như hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn cần phải thúc đẩy hiệu quả hơn. “NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai các gói tín dụng như là gói tín dụng thủy sản 100.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở là 120.000 tỷ đồng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Đối với nội dung lãi suất và tỷ giá, theo lãnh đạo NHNN, đây là nhiệm vụ vô cùng thách thức. Những biến số này sẽ tác động đến thị trường trong nước và dòng vốn vào/ra của nền kinh tế. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, thậm chí là diễn biến hàng ngày để có sự chủ động trong điều tiết.
Theo Báo Tin Tức