Du xuân - Nét đẹp đầu năm

27/02/2018 - 02:48

 - Du xuân hái lộc, ngắm cảnh, viếng chùa, trẩy hội…là nét đẹp không thể thiếu trong đời sống người dân Việt Nam nhân dịp đầu xuân mới.

Những ngày này, ở các đình, chùa, miếu… đâu đâu cũng tấp nập người hành hương, cúng viếng. Cùng với đó, nhiều lễ hội được cử hành từ thời điểm giao thừa chào đón năm mới và diễn ra xuyên suốt trong năm. Người ta còn hành hương đến tận chốn non cao để ngoạn cảnh, hái lộc…với mong ước may mắn trong năm mới.

Thành thông lệ, sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, gia đình anh Tuyển (ngụ phường Mỹ Bình) bắt đầu du xuân. Hành trình du xuân của gia đình anh mỗi năm mỗi khác, có năm đi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt… có năm du xuân đến tận ngoài Bắc để viếng các đình, chùa nổi tiếng như: chùa Hương, chùa Bái Đính…Năm nay, gia đình anh chọn Singapore là điểm đến trong hành trình du xuân của gia đình.

“Tết là khoảng thời gian rảnh rỗi nên vợ chồng và 2 con tranh thủ du xuân thật ý nghĩa. Không chỉ cầu tài lộc, hanh thông cho năm mới mà du xuân còn giúp mình hiểu thêm nhiều nét văn hóa (VH) độc đáo của các vùng, miền, hiểu được đời sống của bà con để đồng cảm, chia sẻ với nhau hơn”.

Các điểm DL tâm linh luôn thu hút rất đông du khách

Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài 7 ngày nên nhiều gia đình có dịp chăm sóc cho nhau sau 1 năm tất bật công việc làm ăn, nhất là những thành viên ở xa có thời gian về thăm ông bà, cha mẹ.

Nét mới trong những năm gần đây, ngày Tết không chỉ quây quần bên gia đình mà nhiều người chọn cách đưa ông bà, cha mẹ đi các tour, tuyến du xuân để những ngày Tết thêm ý nghĩa.

Qua đó, giúp người thân trong gia đình có dịp tìm hiểu nhiều nơi, giúp tinh thần thư thái, tĩnh tâm trong cuộc sống và gắn kết mối quan hệ gia đình thêm bền chặt.

Có thể nói, hành hương, viếng chùa là hoạt động của con người trong đời sống tâm linh, là VH tinh thần của cộng đồng và là hình thức để duy trì bản sắc VH truyền thống dân tộc.

Đặc biệt, những ngày đầu xuân, các hoạt động hành hương thu hút đông đảo người dân và trở thành nét đẹp truyền thống VH của người Việt Nam.

An Giang là tỉnh có nhiều dân tộc, tôn giáo, với 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị VH truyền thống phong phú, đa dạng. Tất cả thể hiện qua các lễ hội VH dân tộc độc đáo như: Lễ hội đua bò Bảy Núi, Lễ Dolta… cùng các làng nghề thủ công truyền thống (dệt lụa ở Tân Châu, dệt thổ cẩm truyền thống), các công trình kiến trúc VH độc đáo làm say đắm lòng người.

Ngoài ra, An Giang còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử VH và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu (Bà Chúa Xứ núi Sam) nổi tiếng khắp cả nước; có dãy Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí; có di chỉ VH Óc Eo - Ba Thê… mỗi năm thu hút đông đảo du khách đến hành hương, cúng viếng. An Giang còn là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với khu lưu niệm tọa lạc trên cù lao Ông Hổ xanh ngát giữa dòng sông Hậu hiền hòa. Với những danh thắng nổi tiếng này, mỗi năm An Giang thu hút trên 6 triệu lượt du khách từ khắp mọi miền đất nước và quốc tế.      

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, tổng lượt khách tham quan, du lịch (DL) đến An Giang từ ngày 13 đến 18-2 (tức 28 Tết đến mùng 3) hơn 620.000 lượt, tương đương so với năm 2017, doanh thu từ phí vào cổng, dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí trên 20 tỷ đồng. Lượng khách đến các khu, điểm DL hầu hết là tham quan, hành hương, cúng viếng, du xuân đầu năm.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các doanh nghiệp kinh doanh DL, các khu điểm DL trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, nhiều sự kiện hấp dẫn, đặc sắc nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách và người dân địa phương đến tham quan thưởng ngoạn và du xuân.

Đặc biệt, năm nay có nhiều điểm tham quan, ẩm thực mới được khai trương đón khách, nổi trội là các điểm DL sinh thái phục vụ ẩm thực miền sông nước kết hợp mô hình trò chơi dân gian dưới nước mới lạ thu hút du khách, nhất là giới trẻ.

Anh Phan Hồng Thái (ngụ quận 5, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Năm nay, gia đình du xuân về An Giang để hành hương các điểm DL tâm linh với mong muốn năm mới làm ăn thuận lợi, phát tài và an khang, thịnh vượng.

Mình đã đến viếng miếu bà ở Châu Đốc, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An... rồi lên Thiên Cấm sơn. Cảnh vật nơi này rất đẹp, huyền bí, tâm linh. Dịch vụ ở những nơi này cũng khá tốt, chắc chắn gia đình mình sẽ còn trở lại những lần sau”. 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH