Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Chợ Mới Lê Ngọc Lam cho biết, mô hình dân vận khéo “Ấp, chi, tổ hội BHYT kiểu mẫu” thí điểm ở Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kiến Thành. Hội Nông dân huyện triển khai mỗi xã, thị trấn 1 tổ kiểu mẫu tham gia BHXH và BHYT. Kết quả, các ấp, chi, tổ hội kiểu mẫu có 100% thành viên tham gia BHYT. BHXH huyện phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức 36 điểm truyền thông chính sách cho hội viên phụ nữ, duy trì “Nuôi heo đất tham gia BHXH, BHYT”, vận động, phát triển 100% hội viên tham gia BHYT; 5 tổ hội đạt kiểu mẫu (88 hội viên).
Tại huyện Châu Phú, mô hình “Ống heo tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” được BHXH huyện triển khai, thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ. Rất nhanh chóng, chị em đăng ký tham gia thành lập “Tổ phụ nữ bỏ ống heo tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình”. Qua đó, huyện thành lập được 26 tổ, 260 thành viên, 102 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, 246 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Tham gia mô hình, mỗi hội viên tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hàng ngày (ít nhất 10.000 đồng) bỏ vào ống heo. Đến kỳ sinh hoạt của chi hội phụ nữ, số tiền này được dùng để đóng BHXH tự nguyện. Cách làm đơn giản, tiện lợi này giúp chị em yên tâm, tự tin lo cho tương lai, khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT, nhờ tham gia BHXH tự nguyện ngay khi còn trẻ.
Mô hình “Nuôi heo đất tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”
Huyện An Phú có mô hình “Mỗi đoàn viên tích cực vận động, hỗ trợ nguồn lực, người thân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”. Theo Giám đốc BHXH huyện An Phú Nguyễn Văn Nên, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng tăng. Đoàn viên Liên đoàn Lao động huyện vận động 20 người thân, người quen tham gia BHXH tự nguyện, 6.544 người tham gia BHYT; đoàn viên Huyện đoàn vận động 14 người tham gia BHXH tự nguyện, 3.026 người tham gia BHYT...
Tại huyện Phú Tân, BHXH phối hợp Hội Nông dân huyện tích cực tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất giỏi tự giác, tích cực tham gia BHXH, BHYT để về già có lương hưu. Kết quả, trên 700 hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện (trong đó, 407 người là nông dân sản xuất giỏi, đạt 100% kế hoạch); 18.093 người mua mới, gia hạn thẻ BHYT (đạt 100%); 26 cán bộ chi hội nông dân làm công tác thu BHXH, BHYT.
Tại huyện miền núi Tri Tôn, chính sách Nhà nước hỗ trợ đã có, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ cần đóng 30% (tương ứng 291.600 đồng) là có thẻ BHYT hạn dùng 12 tháng. Tuy nhiên, nhận thức về tham gia BHYT của họ chưa cao; một bộ phận người lớn tuổi lệ thuộc vào con cháu, không có khả năng tự mua BHYT. Công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, tập quán, lối sinh hoạt.
Được BHXH tỉnh, chính quyền địa phương hỗ trợ, BHXH huyện Tri Tôn tăng cường tham mưu, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đồng thời, linh hoạt gói thu 3 tháng, 6 tháng để giảm số tiền phải đóng cùng lúc, tăng khả năng tham gia của người dân... Kết quả, cấp thẻ BHYT cho 3.927 người, đạt 100% số người thuộc diện chưa tham gia sau khi ngừng chính sách hỗ trợ.
Thời gian tới, BHXH tỉnh, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, góp phần lan tỏa sâu rộng tính ưu việt, nhân văn của các chính sách bảo hiểm trong Nhân dân.
Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết: "BHXH tỉnh luôn chủ động, sáng tạo trong công tác truyền thông, tổ chức nhiều cuộc ra quân quy mô toàn tỉnh. Đồng thời, duy trì và nhân rộng mô hình truyền thông mới, như “Gian hàng an sinh xã hội” đặt tại khu thương mại, siêu thị, hội chợ thương mại, để tăng cường truyền thông giá trị, lợi ích của chính sách đến người dân. Mô hình “Tổ tự quản BHYT kiểu mẫu”, “Gia đình BHYT kiểu mẫu”, “Ống heo an sinh”… được BHXH địa phương triển khai, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận". |
HẠNH CHÂU