Đưa ngành hàng cá tra trở lại quỹ đạo tăng trưởng

03/04/2024 - 06:02

 - Hơn 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng cá tra bị sụt giảm nhiều so mục tiêu đề ra, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp (DN). Sản xuất bị đình trệ, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giải pháp nào để đưa ngành hàng cá tra trở lại quỹ đạo tăng trưởng là vấn đề đặt ra cho ngành hàng này trong thời gian tới.

Kim ngạch giảm

Năm 2023 được xem là năm có nhiều biến động, khó khăn đối với ngành hàng cá tra. Dưới tác động của lạm phát và bất ổn chính trị, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các quốc gia phát triển, như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… kinh tế chậm phát triển. Tình trạng này dẫn đến lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Thống kê của Vasep, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước chỉ đạt 1,7 tỷ USD, sụt giảm mạnh so với các “kỷ lục” được xác lập trước đó vào năm 2018 (2,4 tỷ USD), năm 2022 (1,8 tỷ USD). “Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra của toàn ngành sụt giảm nghiêm trọng. Trung Quốc giảm gần 22%, Hoa Kỳ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, ngay từ đầu năm 2023, lượng hàng tồn kho lớn, các nhà nhập khẩu đã hạn chế mua hàng. Đây là năm kim ngạch xuất khẩu cá tra rời xa quỹ đạo tăng trưởng…” -  Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới khẳng định.

Còn nhớ, 11 tháng của năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ lên đến 494,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, tăng 54,6% so cùng kỳ năm 2017. Trong khi năm 2023, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chỉ đạt hơn 200 triệu USD.

“Lạm phát tăng cao, Hoa Kỳ buộc phải sử dụng các công cụ tài chính và có 11 lần tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Cuộc họp ngày 26/7/2023, Cục Dữ Trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang (cơ sở để các ngân hàng tính lãi khi vay qua đêm) lên ngưỡng mục tiêu mới từ 5,25 - 5,5% - đây là mức cao nhất trong 22 năm qua” - ông Doãn Tới phân tích.

Giải pháp nào…

Xuất khẩu cá tra bị sụt giảm nghiêm trọng kéo theo giá cá tại thị trường nội địa giảm sâu. Trong những tháng cuối năm 2023, giá cá tra nguyên liệu được thương lái mua tại hầm chỉ còn 23.000 - 24.000 đồng/kg, gây tâm lý lo lắng cho ngư dân.

“Giá thành nuôi cá tra lên đến 24.000 đồng/kg, trong khi bán chỉ được 23.000 - 23.500 đồng/kg. Mỗi ao cá có sản lượng từ 700 - 1.000 tấn, xuất khẩu trì trệ, thời gian bắt cá kéo dài dẫn đến hao hụt rất lớn, chủ hầm phải chịu thiệt thòi…” - ông Trần Văn Nam (ngư dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) bức xúc.

Cũng theo ông Nam, những ngày gần đây, giá cá tra đã “thoát đáy”, tăng lên 26.500 đồng/kg. Với mức giá này, ngư dân bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, khi giá cá thịt nuôi có lãi thì ngư dân phải đối mặt với tình trạng hao hụt về con giống.

“Con giống hiện là vấn đề nan giải đối với người nuôi cá tra. Nếu như 10 năm trước, tỷ lệ hao hụt cá tra giống chỉ từ 3 - 4% thì nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tỷ lệ hao hụt có khi lên đến 30 - 40%. Giá thành tăng cao, nhiều hộ nuôi bị thua lỗ…” - bà Lê Thị Kim Lài (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) chia sẻ.

Giải quyết bài toán đưa cá tra trở lại quỹ đạo tăng trưởng, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Vasep…  đã tổ chức nhiều hội nghị tìm giải pháp. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh cá tra tại thị trường các nước phát triển. Đẩy mạnh xuất khẩu vào 4 thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, các quốc gia Châu Á), phát triển thêm thị trường mới, thị trường mục tiêu. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu.

Ngoài mặt hàng cá phi-lê, khuyến khích DN tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng, các mặt hàng tiện ích, như: Chả cá, chạo basa, basa tẩm bột chiên và nhiều mặt hàng giá trị gia tăng khác. Tăng cường xuất khẩu sản phẩm dầu cá, bột cá tra vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và những thị trường tiềm năng.

Đưa ngành hàng cá tra trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Nhà nước cần tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để DN trong ngành có thêm sức mạnh, như: Chính sách tín dụng, chính sách khuyến khích xuất khẩu, chính sách kiềm chế giá thức ăn, ổn định thị trường đầu vào.

Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cần tiếp tục lan tỏa giá trị dinh dưỡng của con cá tra để nâng cao nhận thức người tiêu dùng ở thị trường nội địa. Khuyến khích các bếp ăn cho trẻ tại các nhà trẻ, mẫu giáo, bếp ăn quân đội, công an tăng cường các món ăn chế biến từ cá tra để sản lượng tiêu thụ mặt hàng này ở thị trường nội địa tăng lên. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng cá tra, giải quyết việc làm cho người lao động tại ĐBSCL một cách ổn định...

“Khi kinh tế khó khăn, DN nỗ lực giữ vững hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng cách bán sản phẩm cho thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Đẩy mạnh phát triển thị trường ngách, đồng thời bán nhiều mặt hàng khác nhau từ chính phẩm đến phụ phẩm. Đây cũng là thời điểm thích hợp để thực hiện tái cấu trúc công ty, ngành hàng và thị trường sản phẩm để khi kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại, DN toàn ngành đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra trở lại quỹ đạo tăng trưởng” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ

 

MINH HIỂN