Đưa người “vượt biên” trái phép, 3 đối tượng lãnh án

11/05/2021 - 04:29

 - Chỉ vì lợi nhuận mà Đỗ Văn Quên (Nhiên, sinh năm 1986, ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), Nguyễn Văn Khải (sinh năm 1965, ngụ ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú) và Vaan Nath (Linh, sinh năm 1983, ngụ xã Prek Chey, huyện Kaoh Thum, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia) bất chấp pháp luật và mối nguy hại của dịch bệnh để tổ chức đưa người “vượt biên” trái phép nhằm hưởng lợi.

Khoảng 19 giờ 10 phút ngày 18-6-2020, Công an huyện An Phú (An Giang) phối hợp Công an xã Khánh An tuần tra phát hiện Nath điều khiển võ lãi chở Quên đi từ bờ sông Campuchia sang bờ ấp An Hòa (xã Khánh An) để đón 3 người, gồm: Đặng Thị Thu Thảo (sinh năm 1998, ngụ phường Phước Tân, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Huỳnh Thị Ngọc Anh (sinh năm 1991, ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) và Seng Sóc Ny Vi Sa (sinh năm 1997, ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) để đưa qua Campuchia. Khi tất cả cùng trên võ lãi thì bị tổ công tác bắt quả tang.

Lúc này, Nath cùng Thảo nhảy xuống sông bỏ trốn, lực lượng chức năng truy tìm, đến khoảng 22 giờ cùng ngày phát hiện Thảo đang trốn trong nhà dân nên đưa Thảo về làm việc. Theo đó, Công an huyện lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang đối với Quên và tạm giữ phương tiện liên quan, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với Thảo, Ngọc Anh và Vi Sa; riêng Nath bỏ trốn đến ngày 26-6 đến Công an huyện An Phú đầu thú. Ngày 29-6-2020, Quên và Nath bị khởi tố điều tra.

3 bị cáo Nath, Khải và Quên nghe tuyên án

Quá trình điều tra xác định, trước khi có dịch bệnh COVID-19, Khải hành nghề chạy “xe ôm” nên quen biết đối tượng Nam (chưa rõ lai lịch) sống ở Campuchia và thường xuyên đưa đón khách qua lại biên giới cho Nam. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, dù biết sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng có không ít người dân vẫn muốn qua lại biên giới.

Khoảng đầu tháng 6-2020, Nam đã cấu kết với Khải, Quên, Nath và So (chưa rõ lai lịch, ngụ xã Prek Chrey, huyện Koah Thum, tỉnh Kandal) tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm, cụ thể: Khải có nhiệm vụ dùng xe môtô đưa khách từ Cồn Tiên đến xã Khánh An; Quên và Nath có nhiệm vụ dùng võ lãi đưa khách qua sông từ Khánh An đến Mương Cây Gòn thuộc xã Prek Chay (huyện Kaoh Thum). Từ đây, So dùng xe tải tiếp tục đưa khách đến cầu Kaoh Thum giao lại cho Nam và ngược lại từ Campuchia về Việt Nam.

Ngoài đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép của Nam, nhóm Khải, Quên, Nath và So còn tham gia vào đường dây của Sáu Lấu ở Campuchia (chưa rõ lai lịch) và Nguyễn Huỳnh Châu Tuấn (sinh năm 1977, ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) là con rể Lấu có vai trò như Khải. Với cách thức như trên, mỗi khách, Nam hoặc Lấu thu 1,5-3 triệu đồng (trả công cho So 500.000 đồng/khách; Nath 200.000 đồng/khách; Quên 100.000 đồng/khách; Tuấn hoặc Khải 200.000 đồng/khách. Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 14-6-2020, Khải và Tuấn chở 2 khách đi Campuchia giao cho Quên và Nath.

Đến khoảng 1 giờ ngày 15-6-2020, Nath chở 3 khách từ Campuchia về giao cho Tuấn và Khải đón. Sau khi đón khách, cả 2 đối tượng điều khiển xe môtô chở đi được một đoạn thì bị Công an xã Khánh An bắt, lập biên bản vi phạm hành chính về “Giúp đỡ, chứa chấp, tạo điều kiện cho người khác đi vào Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép” theo Điểm a, Khoản 5, Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời tạm giữ phương tiện và buộc Tuấn, Khải phải tự cách ly tại nhà 14 ngày.

Sau khi biết Tuấn và Khải không chở khách đi được nên Quên, Nath cấu kết với Khải, Tuấn để kiếm người khác chở Thảo, Ngọc Anh và Vi Sa đến bến sông cho Quên và Nath đưa sang Campuchia nhưng bị bắt khi đang trên võ lãi. Ngày 13-7-2020, Khải cũng bị khởi tố.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, 3 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Để các bị cáo hiểu rõ hơn hành vi sai trái của mình, Hội đồng xét xử phân tích: “Bản thân từng bị cáo biết rõ việc đưa người xuất, nhập cảnh trái phép là vi phạm mà đặc biệt đang trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhưng vì hám lợi mà các bị cáo đã bất chấp pháp luật, quên đi sự nguy hiểm của dịch bệnh cố tình thực hiện, trong đó bị cáo Khải là người bị xử lý hành chính và đang tự cách ly nhưng vẫn tiếp tay cho các bị cáo khác. Hành vi của các bị cáo trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh và tình hình trật tự an toàn xã hội, đồng thời vi phạm quy định của Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.

Kết thúc phiên xét xử công khai, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Khải 2,5 năm tù; Nath và Quên mỗi bị cáo cùng nhận mức án 3 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG