Ủng hộ BOT, nhưng phải “sạch”
Đó là quan điểm của nhiều lái xe khi qua lại trạm BOT T2 (Km50+050 Quốc lộ 91 (QL91), đoạn qua khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). “Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, việc doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư công trình cầu, đường rồi thu phí lại chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, việc thu phí phải công khai, minh bạch, đặt trạm đúng vị trí cần thu. Đằng này, trạm BOT T2 lại cố tình đặt lệch về phía gần tỉnh An Giang, cố tình thu các phương tiện đi theo hướng QL80 (về Kiên Giang) và phương tiện qua cầu Vàm Cống. Chúng tôi không thể chấp nhận điều này bởi chỉ sử dụng có vài trăm mét tuyến đường nâng cấp (QL91) mà phải mua vé toàn tuyến, mức phí còn cao hơn cả qua phà Vàm Cống” - anh T.L.T (lái xe tải ở phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Anh T. là một trong những tài xế tham gia phản đối không mua vé, dừng xe chiếm làn thu phí ở trạm BOT T2 thời gian qua. Anh T. cho biết, khoảng 12 giờ trưa 21-5, sau khi chất hàng xong, anh di chuyển theo hướng cầu Vàm Cống để lên TP. Hồ Chí Minh. Đến trạm BOT T2, thấy một số tài xế xe tải (chủ yếu biển kiểm soát An Giang và TP. Hồ Chí Minh) dừng xe ở làn thu phí phản đối mua vé nên anh cũng tham gia. “Trước đây, tôi có chở hàng xuống Rạch Giá (Kiên Giang), đi ngang trạm BOT T2 phải mua vé thấy cũng ức lắm. Tuy nhiên, lâu lâu mình đi 1 lần nên cũng bấm bụng đóng phí cho xong. Bây giờ có cầu Vàm Cống, phải qua lại thường xuyên, số tiền tốn thêm là không nhỏ nên chúng tôi phản đối tới cùng”- anh T. nói.
Việc các xe tải không chịu mua vé, đậu chiếm các làn thu phí tại trạm BOT T2 (hướng An Giang - Cần Thơ) khiến giao thông bị ùn tắc kéo dài. Chiều 21-5, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) TP. Cần Thơ đã tổ chức phân luồng, điều tiết, trạm mới dần thông trở lại. Ngày 22-5, theo quan sát của phóng viên, trước trụ sở Văn phòng Trạm thu phí T2 (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ - An Giang) luôn có xe CSGT đậu bên ngoài, còn lực lượng CSGT có mặt bên trong, sẵn sàng phối hợp nhân viên trạm BOT T2 can thiệp khi có xe dừng lâu tại quầy bán vé. Tuy nhiên, bên làn thu phí hướng An Giang - Cần Thơ, thỉnh thoảng vẫn bị ùn ứ một đoạn do tài xế phản đối, chậm mua vé.
Vi phạm pháp luật
Đó là khẳng định của luật sư Phan Hòa Nhựt, chi nhánh Công ty Luật TNHH Tuệ Tâm Việt (103/1 đường Bùi Văn Danh, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên), về vị trí đặt trạm BOT T2. “Về mặt pháp lý, trạm BOT T2 vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Dân sự năm 2015. Về bản chất, việc thu phí để nâng cấp các tuyến đường, bù đắp chi phí sửa chữa, xây dựng đường, cầu giữa chủ đầu tư và chủ phương tiện là quan hệ dân sự, mà quan hệ dân sự thì phải tôn trọng sự thỏa thuận của 2 bên. Đằng này, chủ đầu tư hoàn toàn tước quyền được thỏa thuận của các chủ phương tiện, mà đối xử bằng cách áp đặt là không đúng bản chất. Các chủ phương tiện từ tỉnh An Giang đi Kiên Giang hoặc qua cầu Vàm Cống chỉ thụ hưởng chưa tới 1% tuyến đường nâng cấp nhưng phải trả phí toàn tuyến QL91 được nâng cấp là rất thiếu công bằng” - luật sư Nhựt phân tích. Về mặt xã hội, sau khi cầu Vàm Cống được thông xe thì trạm BOT T2 sẽ còn bị phản ứng ngày càng gay gắt hơn. “Nếu vẫn duy trì vị trí đặt trạm BOT T2 như hiện nay, chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn xã hội nghiêm trọng. Chính việc đấu tranh chống lại sự bất hợp lý này của tài xế, chủ phương tiện sẽ khiến tình hình an ninh trật tự tại khu vực đặt trạm luôn bất ổn. Nghiêm trọng hơn là sự sa sút lòng tin của nhân dân vào cơ quan chức năng” - luật sư Nhựt nhận xét thêm.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, ngay từ khi trạm BOT T2 chuẩn bị xây dựng cho đến đưa vào hoạt động, hiệp hội đã có gần 20 lần kiến nghị di dời. Tuy nhiên, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ yêu cầu miễn, giảm, chứ không di dời. “Nhận thấy đây chỉ là giải pháp tình thế do lượng phương tiện của tỉnh An Giang lưu thông về QL80 chưa nhiều nên hiệp hội tạm chấp nhận. Nay cầu Vàm Cống đã thông xe, doanh nghiệp và người dân An Giang phải chịu thiệt thòi rất lớn khi phải mua vé qua trạm BOT T2, trong khi cầu Vàm Cống là miễn phí” - ông Xuân bức xúc.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang, ngoài trực tiếp gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ phương tiện và người lái xe, trạm BOT T2 như nút thắt gây cản trở kinh tế An Giang. Doanh nghiệp ở các địa phương khác thay vì đầu tư ở An Giang, có thể chuyển hướng sang nơi khác để khỏi phải đi qua trạm. Đặc biệt, du lịch sẽ bị ảnh hưởng bởi cầu Vàm Cống đã thông, du khách về An Giang thuận lợi nhưng các doanh nghiệp lữ hành có thể cân nhắc khi phải tốn phí qua trạm BOT T2. “Với vị trí đặt trạm BOT T2 hiện nay, chủ đầu tư không chỉ thu tiền của những phương tiện lưu thông tuyến Long Xuyên - Cần Thơ, mà gần như thu tiền toàn bộ phương tiện ra vào An Giang theo cửa ngõ này. Nếu không sớm giải quyết thỏa đáng, nơi đây sẽ trở thành điểm nóng, bởi sự chịu đựng của người dân, doanh nghiệp đã lên đến đỉnh điểm” - ông Xuân cảnh báo.
Để giải quyết vấn đề trạm BOT T2, Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang kiến nghị chỉ thu phí bằng 1/40 theo mức phí Tổng cục Đường bộ đã quy định về trạm thu phí không dừng hoặc dành hẳn 2 làn miễn phí cho các phương tiện đi và về Long Xuyên - QL80. Trạm BOT T2 phải sớm được di dời sang vị trí phù hợp (phía dưới ngã 3 lộ tẻ Rạch Giá về hướng Cần Thơ). |
Các phương tiện chờ đợi qua trạm T2 (hướng Long Xuyên - Cần Thơ) trưa 22-5
Xe cảnh sát giao thông thường xuyên túc trực trước Văn phòng Trạm thu phí BOT T2
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN