Đừng tạo tin giả làm ảnh hưởng việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19

02/07/2021 - 03:44

 - Trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nỗ lực xử lý, thì một bộ phận người dân thiếu ý thức lại thêu dệt tin giả, làm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vừa chống dịch, vừa phải chống tin giả, làm sao tránh khỏi tốn kém sức lực, thời gian, kinh phí!

Tin giả được xác định gồm 2 loại: thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì mục đích nào đó; thông tin có thể có một phần sự thật, nhưng không hoàn toàn chính xác, không được kiểm chứng trước khi đăng tải, chia sẻ. Đặc biệt, phục vụ “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, ngành thường xuyên đăng tải công khai, nhanh chóng, kịp thời thông tin liên quan để người dân nắm rõ, trên báo chí chính thống lẫn mạng xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều tin giả vẫn xuất hiện nhằm mục đích câu like, thu hút được nhiều người quan tâm và chia sẻ, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.

Điển hình như vụ việc ngày 25-6, Đỗ Thanh Đời (ngụ xã Vĩnh Chánh, Thoại Sơn, tỉnh An Giang) gửi một tin nhắn thoại với thời lượng 52 giây lên một nhóm Zalo (13 thành viên), nội dung: “Bên công ty mình có một anh nhân viên mới cưới vợ. Vợ anh ấy làm ở Bệnh viện Sa Đéc, là hộ lý chăm sóc cho bệnh nhân bị COVID. Người này không hay, vẫn đi đi về về ở Mỹ Thới, buổi tối có đi các hàng quán ở Long Xuyên, uống cà phê… Ai có di chuyển trong khu vực của Long Xuyên thì nhớ để ý cẩn thận, giờ này khu vực của mình đang bị cách ly”.

Lưu Thị Thu Trang (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, cùng nhóm Zalo với Đời) đã lấy đoạn ghi âm này gửi cho 1 nhóm Zalo khác (gồm 6 thành viên) và 1 người bên ngoài. Từ đây, đoạn ghi được lan truyền ra bên ngoài rất nhanh và được bình luận, chia sẻ theo cấp số nhân. Người dân trong tỉnh nói chung, TP. Long Xuyên nói riêng rất hoang mang, lo lắng về việc F1 có lịch trình di chuyển dày đặc, nguy cơ “vỡ trận COVID-19” cao.

Các đối tượng bị Công an TP. Long Xuyên mời làm việc vì tung tin giả

Tuy nhiên, thông tin ấy là tin giả. Qua làm việc với Công an TP. Long Xuyên, Đời và Trang đều thừa nhận thông tin của mình ghi âm và phát tán là sai sự thật, đã chủ động xóa bỏ đoạn ghi âm. “Tôi biết mình đã sai khi chưa nắm rõ thông tin mà đã chia sẻ với người khác. Mục đích ban đầu của tôi chỉ là chia sẻ vụ việc trong nhóm, giúp họ nâng cao cảnh giác với dịch bệnh, đồng thời trêu đùa họ một chút thôi. Không ngờ lại làm xáo trộn cộng đồng mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, công việc của người dân. Thấy được hậu quả ấy nên tôi tự giác đến trình báo công an. Tôi xin lỗi mọi người, hứa sẽ rút kinh nghiệm, không bao giờ tái phạm. Mong người dân rút kinh nghiệm từ trường hợp của tôi, đừng hành động sai phạm tương tự” - Đời bày tỏ.

Lúc này đây, hàng trăm ngàn cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, y bác sĩ đang vất vả làm nhiệm vụ chốt chặn, khoanh vùng, chiến đấu với “giặc COVID-19”, không kể ngày đêm. Nếu có khả năng, mỗi người dân giúp đỡ công sức, của cải, trí tuệ vào “cuộc chiến” chung. Nếu không, chỉ cần từng người thực hiện đúng quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng, tự bảo vệ mình và cộng đồng. Đừng làm ra bất kỳ hành động vô ý thức nào khác, đừng thêm thắt thông tin, đừng mượn danh “cảnh báo cho cộng đồng” mà làm rối ren cục diện chung.

Trước khi thực hiện điều gì, cần cân nhắc kỹ hậu quả phải chịu trách nhiệm. Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng; đối với tổ chức sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định trường hợp người có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc gây dư luận xấu thì bị xử lý về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.

Về phía người dân, lưu ý không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Mỗi người dân hãy thật sự trở thành một “lá chắn” trước những luồng thông tin độc hại, chung sức, đồng lòng cùng các cơ quan chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

T.M