Đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh tư liệu)
Có thể khẳng định, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh không chỉ là biểu hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia và bạn bè quốc tế.
Trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn Đông Dương, đường Trường Sơn đã không ngừng được củng cố, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng của ba nước Đông Dương. Quân và dân ba nước đã nêu cao tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, xây dựng và bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, sau khi tuyến đường đi vào hoạt động, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sử dụng tối đa sức mạnh của vũ khí, kể cả vũ khí bị nghiêm cấm sử dụng trong chiến tranh, hòng xóa bỏ đường Trường Sơn, cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền bắc đối với tiền tuyến miền Nam.
Tháng 5/1960, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Mỹ, chính quyền Sài Gòn huy động lực lượng đánh vào phía tây tỉnh Quảng Trị, khiến nhiều đơn vị vận tải của Việt Nam bị kẹt lại ở đây. Hoạt động chi viện chiến lược qua đường Trường Sơn đứng trước khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải lật cánh sang phía tây, chạy trên đất Lào để chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến.
Nhận thức được yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ, cuối năm 1960, đại diện Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam và Trung ương Ðảng Nhân dân Lào đã gặp gỡ, trao đổi và thống nhất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh cách mạng hai nước. Trung ương Ðảng hai bên đã nhất trí mở rộng tuyến đường Trường Sơn sang phía Tây chạy trên đất Lào.
Tháng 5/1961, được sự đồng thuận của Ðảng, Nhà nước Lào, tuyến đường Tây Trường Sơn chính thức khai thông, dài khoảng 100km từ Ðường 9 đến Mường Phalan, nối Trung Lào với Hạ Lào. Từ đây, hàng hóa, vũ khí, trang bị, kỹ thuật, thiết bị y tế... được vận chuyển trên tuyến đường Tây Trường Sơn một cách thuận lợi bằng các phương tiện gùi, xe đạp thồ, voi thồ và xe cơ giới.
Chỉ tính riêng trong năm 1962, trên toàn tuyến Tây Trường Sơn, Ðoàn 559 đã vận chuyển được 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đón và đưa gần 10.000 cán bộ vào và ra, góp phần quan trọng cho sự phát triển của công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của cách mạng hai nước Việt Nam-Lào.
Tính chung từ năm 1959 đến 1964, tuyến vận tải chiến lược đã bảo đảm vận chuyển hàng và tổ chức hành quân cho các đơn vị vào chiến trường miền Nam và Lào được 10.136 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ cùng hàng nghìn tấn hàng quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cách mạng Việt Nam, Lào...
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng đánh phá, quyết tâm ngăn chặn tuyến đường Trường Sơn. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, các đơn vị bộ đội, dân công Việt Nam xây dựng, chiến đấu trên tuyến đường Tây Trường Sơn đã được chính quyền, nhân dân và bộ đội nước bạn Lào hết lòng giúp đỡ.
Nhân dân nước bạn Lào còn đóng góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển hàng hóa và thương binh, bệnh binh, góp phần bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến.
Ðáp lại tấm lòng thủy chung, trong sáng của nhân dân Lào, quân đội hai nước đã phát huy sức mạnh của liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, giành lại độc lập, thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do cho nhân dân. Trong đó, cuộc chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt (năm 1970) của đế quốc Mỹ xâm lược là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh chiến thắng của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào.
Khi đế quốc Mỹ mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Ðường 9 và một số trọng điểm của cách mạng hai nước, Bộ Chính trị, Trung ương Ðảng Việt Nam và Lào đã chủ động, quyết tâm tiến hành Chiến dịch Ðường 9-Nam Lào. Theo đó, liên quân Việt Nam-Lào đã sát cánh chiến đấu anh dũng kiên cường, lập nên chiến thắng lịch sử Ðường 9-Nam Lào.
Các đoàn xe ngày đêm vượt Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)
Thất bại liên tiếp trên chiến trường và nhân dân tiến bộ Mỹ lên án mạnh mẽ, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Hiệp định Vientiane (ngày 21/2/1973) về lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào.
Ðánh giá về sự kiện lịch sử này, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: "Nhờ chúng ta liên minh với nhau, mới có điều kiện cần và đủ để đánh thắng... Không có Lào và Campuchia giúp đỡ, thì Việt Nam không thể thắng lớn được..."
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn, tuyến chi viện chiến lược Bắc-Nam (cả Đông và Tây Trường Sơn), đã đi qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, tỏa ra các chiến trường; là sợi dây liên kết các chiến trường, là “khúc ruột” nối với các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc và các tuyến vận tải của các chiến trường ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững.
Trong hai năm 1973-1974, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969-1972, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam, Lào và Campuchia tiến lên giành thắng lợi quyết định vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
Như vậy, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, mà còn là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5/1990, đồng chí Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Ðảng Nhân dân cách mạng Lào, đã xúc động nói: "Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác, đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù, cùng với con đường phía Ðông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền Nam Việt Nam... Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước, không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi."
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhấn mạnh: "Quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định này là một thành công kiệt xuất trong lãnh đạo chiến tranh của Ðảng Cộng sản Việt Nam; là biểu hiện tình đoàn kết quốc tế đặc biệt: Việt Nam, Lào, Campuchia"./.
Theo MINH LAN (Vietnam+)