Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 4 ngày nghỉ Tết Quý Mão từ sáng 21/1 đến 24/1 (từ sáng 30 tháng chạp đến mùng 3 Tết), tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân, thực hiện khám cấp cứu hơn gần 192.300 trường hợp, tăng hơn 38% so với 4 ngày Tết Nhâm Dần 2022.
Các bệnh viện đảm bảo cấp cứu điều trị cho người dân trong suốt kỳ nghỉ tết Quý Mão
Dù số ca cấp cứu và nhập viện vì tai nạn đánh nhau giảm 4-5% so với cùng kỳ Tết năm ngoái, nhưng số bệnh nhân tử vong lại tăng.
Cụ thể, có gần 2.000 ca khám, cấp cứu vì đánh nhau trong 4 ngày nghỉ Tết, tương đương trung bình mỗi ngày có 500 ca vào viện vì đánh nhau. Có 836 ca phải nằm viện, 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với năm ngoái.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, so sánh 4 ngày nghỉ Tết năm nay, số ca khám, cấp cứu, tử vong liên quan đến tai nạn giao thông tăng nhẹ, trong khi số khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ... tăng mạnh. Nhiều ca bệnh dập nát bàn tay, thậm chí mất bàn tay, ảnh hưởng thị lực...
Theo đó, có tới 365 ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ, pháo hoa, tăng 57,3% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong gần 400 ca gặp nạn vì pháo, có 251 ca phải nhập viện, tăng 124% so với cùng kỳ.
Cũng theo Bộ Y tế, trong 4 ngày nghỉ Tết, có 29 ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác (tăng 20,7%), 17 ca phải nhập viện, 2 ca tử vong.
Liên quan tai nạn giao thông, sau 4 ngày nghỉ Tết đã có hơn 16.300 ca khám, cấp cứu, tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó 6.094 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 16% so với cùng kỳ Tết 2022.
Đã có 179 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, tăng 17 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. Riêng từ sáng mùng 2 đến sáng mùng 3 có 51 ca tử vong.
Trong 4 ngày nghỉ Tết đã có 449 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, tăng hơn 11% so với cùng kỳ tuy nhiên số ca phải nhập viện lại giảm. Có 4 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Theo Báo Công Lý