Thông qua công tác tuyên truyền của mặt trận, đoàn thể, chính quyền các cấp, người theo đạo tin tưởng và chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhiều nhất là công tác chăm lo an sinh xã hội.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động từ thiện được nhân rộng như: đóng góp mua xe chuyển bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, khám và chữa bệnh từ thiện, mô hình cơm cháo miễn phí ở bệnh viện, trường học và nuôi dạy học sinh nghèo hoàn cảnh khó khăn…
Năm 2017, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã đóng góp cho các hoạt động từ thiện - xã hội trên 400 tỷ đồng. Hiện nay, bên cạnh các mô hình từ thiện truyền thống, bà con tín đồ còn nhân rộng nhiều mô hình mới theo sự vận động của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo các cấp, tiếp tục chăm lo cho cộng đồng về nhà ở, sức khỏe, khuyến học khuyến tài, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo sửa chữa cầu nông thôn
Nửa nhiệm kỳ qua (tháng 7-2015 đến tháng 5-2018), Ban đại diện đạo Hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã thực hiện tốt chương trình kế hoạch, tạo mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương. Đạo hội kết hợp UBMTTQ tỉnh xây dựng mô hình tự quản bảo vệ môi trường, thường xuyên ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” và hoạt động an sinh xã hội với tổng số tiền 2 tỷ 586 triệu đồng.
Thực hiện mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường”, bà con tín đồ tích cực trồng cây tại các điểm chùa, làm hàng rào cây xanh và trang bị sọt rác gia đình, đóng góp sửa chữa cống rãnh, tách chuồng chăn nuôi khỏi nhà ở.
Những năm qua, tinh thần sống “Kính Chúa yêu nước”, “tốt đời, đẹp đạo” luôn được đồng bào Công giáo ở nhiều địa phương tích cực phát huy. Qua vận động, giáo dân góp sức người, sức của thực hiện các công trình, phần việc thiết thực như: xây cầu, nâng cấp, sửa chữa đường nông thôn, cất mới và sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ vật chất giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cấp gạo hàng tháng cho gia đình lương giáo nghèo và người già neo đơn đau yếu.
Điển hình như: linh mục Phan Thanh Điềm (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) 26 năm tận tâm chăm lo đời sống đồng bào Công giáo, mở lớp xóa mù chữ, vận động nhà hảo tâm cất nhà cho người nghèo, dạy giáo dân chăn nuôi để phát triển kinh tế, hỗ trợ con em giáo dân học đại học, cao đẳng.
Phó cả Mách Sa Lếs tận tâm với việc giáo dục cho đồng bào và con em người Chăm
Ở những vùng biên giới, thông qua giáo dục, vận động và vai trò gương mẫu của chức sắc, chức việc, người có uy tín, đoàn thể địa phương phối hợp tuyên truyền thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, ổn định địa bàn biên giới.
Phó Trưởng ban Giáo cả thánh đường Hồi giáo Masjid Al Khai Ryah Mách Sa Lếs (xã Nhơn Hội, An Phú) là gương sáng điển hình. Hàng tuần, sau những nghi lễ tại thánh đường, giáo cả Mách Sa Lếs dành thời gian nói chuyện, giáo dục con em, kêu gọi mọi người trong xóm Chăm sống và làm việc theo pháp luật, đấu tranh chống quan điểm sai trái, ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam- Campuchia.
Trong đồng bào dân tộc Khmer, những vị sư sãi, à cha, đồng bào Khmer cao niên… gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tích cực nêu cao vai trò, đi đầu trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng với cộng đồng chăm lo phát triển sản xuất và nâng cao đời sống phum, sóc.
Ở Tịnh Biên và Tri Tôn, các đơn vị công an, bộ đội biên phòng và mặt trận đoàn thể phối hợp các xã, thị trấn chọn lựa, bồi dưỡng và xây dựng những người có uy tín trong đồng bào Khmer, là những tuyên truyền viên tích cực và thường xuyên vận động gia đình, dòng họ, con cháu và người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy chế khu vực biên giới đất liền…
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương và các tôn giáo; sự định hướng đúng đắn của những người đứng đầu trong từng tôn giáo dẫn dắt tín đồ, góp phần giáo dục người theo đạo sống có ích với đời, hình thành mối đoàn kết tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.
MỸ HẠNH