Gắn kết ĐBSCL từ Mekong Connect

21/11/2023 - 06:05

 - Tăng cường liên kết nội vùng và liên kết với đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh để hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với ĐBSCL. Khi xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai hiệu quả Quy hoạch tổng thể ĐBSCL, kết hợp cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, sẽ tạo điều kiện để đất “Chín Rồng” bứt phá.

Cần tạo động lực mới

Là người có nhiều nghiên cứu về ĐBSCL, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022) và công bố vào ngày 21/6/2022. Đồng thời, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu mong muốn nâng cấp Diễn đàn Mekong Connect lên tầm cao hơn

“Đây là quy hoạch cấp vùng đầu tiên của cả nước, mang ý nghĩa rất quan trọng, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với vùng ĐBSCL trước tác động của biến đổi khí hậu. Quy hoạch dựa vào 3 trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường, lấy con người làm trung tâm phát triển. Đồng thời, có 4 điểm mới là tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, giá trị mới. Quy hoạch tạo điều kiện để các địa phương phối hợp xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ, thay vì tự triển khai rời rạc như trước đây” - ông Lam đánh giá.

Tuy nhiên, theo Giám đốc VCCI Cần Thơ, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL, mối liên kết giữa các địa phương vẫn còn khá mờ nhạt. Đồng tình với đánh giá này, PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, ĐBSCL có lợi thế đặc biệt về ngành hàng lúa gạo, trái cây, rau củ quả và thủy sản.

“Chỉ cần 100 ngày, ĐBSCL có thể sản xuất hơn 7 triệu tấn lúa, điều mà không có đồng bằng nào trên thế giới làm được. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế chính sách riêng để phát triển các ngành hàng chủ lực nên tốc độ phát triển của ĐBSCL còn chậm, liên kết chưa mạnh, đang lãng phí tài nguyên” - ông Tuấn nhận xét.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho rằng, khi triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng tư vấn cần xây dựng chương riêng về liên kết vùng ĐBSCL để doanh nghiệp (DN) được hưởng ưu đãi.

“Đơn cử như DN muốn đầu tư kho lạnh bảo quản nông sản ngay tại vùng nguyên liệu ĐBSCL thì lại không được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, trong khi chi phí đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm. Nếu được hưởng ưu đãi, DN sẽ mạnh dạn mở rộng đầu tư ra các tỉnh” - bà Chi nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy phát triển

Đến dự Diễn đàn Mekong Connect 2023 do TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh có đóng góp rất lớn từ nguồn hàng hóa, nông sản của ĐBSCL.

“Cần tạo không gian liên kết mạnh về kinh tế, kéo theo các mối liên kết khác, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững. Đây là khuynh hướng của thế giới, buộc chúng ta phải chủ động thay đổi, chứ không thể chủ động trông chờ. Tôi vào các siêu thị ở Châu Âu, thấy hơn 80% nhãn hàng gắn với hệ sinh thái tăng trưởng xanh; khuynh hướng tiêu dùng xanh đang ăn sâu vào tâm thức của đa số người tiêu dùng”.

Giới thiệu sản phẩm, kết nối kinh doanh bên lề Mekong Connect 2023

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, trong liên kết tạo không gian phát triển kinh tế giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, cần có chính sách khuyến khích khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo. “Các DN cũng cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xanh, đừng ngại khó mà không thay đổi. Bây giờ khách hàng không phải mua sản phẩm mà mua câu chuyện tạo ra sản phẩm xanh như thế nào. Với DN khởi nghiệp, cần tìm hiểu thông tin nhiều hơn. Khi tạo ra sản phẩm, không chỉ bằng tâm huyết mà phải nghiên cứu xem có ai làm sản phẩm giống mình không, sản phẩm mình có gì khác biệt, nổi bật hơn. Trước khi muốn tiếp cận thị trường thế giới, hãy lấy sự chấp nhận của thị trường TP. Hồ Chí Minh để tham chiếu, không ngừng cải tiến và nâng tầm sản phẩm, kể cho người tiêu dùng nghe câu chuyện hay về sản phẩm, vùng đất của mình” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gợi mở.

Theo Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, việc liên kết với ĐBSCL để phát huy thế mạnh của từng địa phương là yêu cầu cấp bách. “Xác định mối liên hệ chặt chẽ và tương quan kinh tế vùng là cần thiết, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã chủ động xây dựng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Diễn đàn Mekong Connect 2023 đã diễn ra với các phiên thảo luận sôi nổi, thực hiện triển lãm, trình diễn những sáng kiến, mô hình kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, những công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế… Đó là những gợi mở, định hướng để TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL xây dựng mối liên kết bền chặt, thúc đẩy tăng trưởng xanh” - ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Các đại biểu, địa phương mong muốn nâng cấp Mekong Connect trở thành diễn đàn đối thoại kinh tế công - tư thường niên của vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL và Đông Nam Bộ, tạo không gian tiếp cận, thảo luận và kiến nghị các cơ hội, thách thức và giải pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế của khu vực. Qua đó, củng cố và phát triển các mối liên kết một cách thực chất, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển xanh, “thuận thiên” như kỳ vọng.

NGÔ CHUẨN