Gắn kết doanh nghiệp khai thác thế mạnh An Giang

24/04/2023 - 05:26

 - Nông nghiệp được xem là “bệ đỡ”, động lực thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp là tiếp tục vận động doanh nghiệp (DN), nông dân, hợp tác xã (HTX) tăng cường liên kết trong sản xuất, vừa ổn định đầu ra, vừa hướng đến nâng cao giá trị để khai thác thế mạnh nông nghiệp của tỉnh.

Hợp tác xã trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để đầu ra của trái xoài được thuận lợi

Khai thác thế mạnh

Trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, An Giang sẽ tiếp tục mời gọi các DN có kinh nghiệm trong sản xuất, có thị trường xuất khẩu ổn định, có tiềm lực về kinh tế… đến đầu tư. Tỉnh khuyến khích DN tăng cường liên kết với nông dân, HTX để tổ chức sản xuất theo “Cánh đồng lớn”, “Cánh đồng liên kết”, “Cánh đồng không dấu chân”; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, rau màu, cây ăn trái. DN tổ chức cung cấp vật tư nông nghiệp, giống, kỹ thuật cho nông dân trong suốt quá trình canh tác thông qua loại hình kinh tế tập thể, mà đại diện là tổ hợp tác, HTX.

Đi đầu trong hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, trước hết phải kể đến vai trò “dẫn dắt” của các DN “đầu đàn” như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long với chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo; Tập đoàn THACO với chuỗi liên kết heo thịt, heo giống chất lượng cao; Tập đoàn TH với chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa; Tập đoàn Việt Úc, Sao Mai, Nam Việt với chuỗi liên kết sản xuất cá tra. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia… với chuỗi liên kết sản xuất rau, màu, trái cây.

“Điểm mạnh trong liên kết hiện nay là nông dân không còn lo đầu ra mỗi khi đến vụ thu hoạch. Quá trình sản xuất được DN hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, được cung cấp thông tin dự báo về thị trường tiêu thụ… Chỉ có con đường liên kết mới thực hiện được chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và những vấn đề khác mà nhà nước mong muốn” - ông Trần Văn Na (thành viên HTX nông nghiệp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) phân tích.

Thực tế trong năm 2022 vừa qua cho thấy, nhờ chủ trương đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nên dù còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp An Giang vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 3,16%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Hiệp hội Thủy sản An Giang ký kết quy chế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển thủy sản, đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ cá

Cần tiếng nói chung

Thế mạnh trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là vậy, song vì sao diện tích liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị ngành hàng trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, vụ đông xuân vừa qua, diện tích liên kết của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) chỉ ở mức 33.320ha, so diện tích gần 230.000ha toàn tỉnh.

Lý giải vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Thị Lê cho biết, giá lúa trong vụ đông xuân 2022-2023 ở mức cao, nông dân trong liên kết hay ngoài liên kết đều bán được giá, nên nông dân cảm thấy không cần liên kết để tiêu thụ sản phẩm.

Đây là một thực tế cần nhìn nhận để qua đó, ngành nông nghiệp nói chung, DN tham gia chuỗi liên kết lúa gạo, các chuỗi liên kết khác nói riêng tập trung xây dựng chính sách tốt hơn nữa để thu hút nông dân. “Bán cho thương lái, lúa cân xong thì thanh toán ngay, còn bán cho DN, có khi cả tuần tiền chưa về đến tài khoản, đây là một trở ngại trong liên kết” - bà Nguyễn Thị Lệ Giang (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) thẳng thắn.

Nói là nói vậy nhưng theo bà Giang, việc tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời có nhiều cái lợi, nhất là nông dân không phải chạy vốn để sản xuất; vật tư, giống, kỹ thuật được công ty hỗ trợ, tiền bán lúa thì thanh toán trong thời gian quy định, nông dân không sợ tình trạng mất tiền, giựt nợ hoặc thanh toán không đủ, nhận nhằm tiền rách, tiền không được phép lưu hành…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng tới đẩy mạnh liên kết, thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Trong đó, An Giang là một trong những tỉnh tham gia nhiệt tình vào đề án này; Tập đoàn Lộc Trời cũng tích cực hưởng ứng.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những biện pháp nâng cao thu nhập cho nông dân, ngoài việc tiếp tục hạ giá thành sản phẩm (thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng, hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh), các tỉnh trong khu vực còn hướng đến việc bán tín chỉ carbon để thu lợi nhuận trên mỗi ha đất lúa (nằm trong đề án). Nông dân An Giang cần nâng cao nhận thức về vấn đề này, cùng nhau tham gia “Ngày hội liên kết” do Tập đoàn Lộc Trời phối hợp tổ chức để hiểu rõ cách làm, quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia, đẩy mạnh liên kết cùng DN trong tiêu thụ sản phẩm.

Để sản phẩm làm ra được an toàn, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, thì việc tiếp tục hạ giá thành sản xuất (bằng nhiều cách) là con đường mà nông dân, HTX và DN phải tính đến. Sản xuất theo tín hiệu của thị trường thông qua việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ cùng DN là lợi thế tốt nhất để tránh tình trạng “giải cứu nông sản” như thời gian qua.

“Để nông dân mạnh dạn liên kết với DN trong thực hiện chủ trương chung, hệ chống chính trị tại cơ sở cần quyết tâm hơn nữa. Về phía công ty, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét các chính sách, dành sự ưu tiên để nông dân được hưởng nhiều cái lợi từ chương trình liên kết. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tốt hơn để chính sách đó cùng với chính sách của DN thật sự thu hút nông dân tham gia liên kết trong thời gian tới” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nêu ý kiến.

MINH HIỂN