Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cùng “lời cam kết đồng hành”
Mong mỏi nghị quyết đặc thù cho An Giang
Trong bộn bề công việc, nhất là tập trung cao độ cho phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành vẫn cố gắng sắp xếp làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh, trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Cuộc họp tuy ngắn, nhưng chứa nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính tổng quát cho tương lai của An Giang.
UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thống nhất, đồng bộ giữa các cấp, ngành, giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi chuỗi sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh An Giang Phan Trương rất đồng tình với đề xuất này. “Rất mong Đoàn ĐBQH tỉnh góp tiếng nói để Trung ương chấp thuận cho chúng ta xây dựng nghị quyết đặc thù cho An Giang, giống như tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vừa rồi. Chúng ta có lợi thế là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là tỉnh nông nghiệp, giữ vai trò bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia. Đồng thời, là vùng kinh tế trọng điểm trong 4 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam. Chúng ta cần sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách, kinh phí để phát triển lâu dài” - ông Trương nêu ý kiến.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm (nguyên ĐBQH khóa XIV) làm dày thêm đề xuất: “Trước đây, chúng ta ngại đề xuất chủ trương này, vì nghĩ mình không thuộc địa phương đặc thù. Giờ có thêm chính sách đặc thù cho một số tỉnh, tức là giai đoạn “chín mùi”, An Giang nên tranh thủ, có thêm nguồn lực đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân. Kỳ họp này không đề xuất kịp thì đưa vào kỳ họp sau. Riêng nông nghiệp hiện tại khó hơn các ngành khác, cần nhiều giải pháp căn cơ để tháo gỡ, giúp nông nghiệp An Giang nói riêng và ĐBSCL trở thành “bệ đỡ” ngành kinh tế”.
Sau khi Trung ương có văn bản gửi về các địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, kiến nghị cho phép xây dựng nghị quyết chuyên đề của tỉnh, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Lời cam kết đồng hành
Cuộc họp còn ghi nhận rất nhiều ý kiến của ĐBQH, lãnh đạo các sở, ngành. Trong số đó, vẫn là những trăn trở nguồn lực cho tỉnh phòng, chống dịch COVID-19, khi ngân sách tỉnh vốn đã “mỏng manh, dễ bị tổn thương”, lại đặt trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” hiện giờ. Đó là những dự án giao thông trọng điểm, góp phần khơi thông huyết mạch cho tỉnh, như: mong muốn sớm công nhận Quốc lộ 80B đi qua địa phận An Giang (bao gồm Tỉnh lộ 942, 954, 952, dài khoảng 90km); được xem xét ủy thác toàn tuyến Quốc lộ 91 đi qua địa phận tỉnh (dài 93km) cho địa phương quản lý; các tuyến tránh, cao tốc lớn đã được phê quyệt đầu tư… Đó là trăn trở về hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, nông dân để vượt qua “bão” đại dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thay mặt UBND tỉnh, rất trân trọng cám ơn các vị ĐBQH khóa trước đã hết sức hỗ trợ, đồng hành cùng UBND tỉnh trong quá trình xử lý khó khăn, vướng mắc, kiến nghị Trung ương để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Đoàn ĐBQH khóa mới. Ngoài các cuộc họp định kỳ, tỉnh sẵn sàng cùng họp đột xuất với đoàn nếu cần thiết. Về kinh tế - xã hội, 9 tháng của năm 2021, GRDP của tỉnh tăng 1,6%, tuy cao hơn bình quân cả nước (1,42%) nhưng thấp hơn cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, rất nhiều công việc nặng nề, luôn lệ thuộc vào diễn biến dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi tập trung cao độ để kiểm soát tình hình, có kế hoạch phục hồi kinh tế, phấn đấu cuối năm đạt tăng trưởng 1,96%. Tỉnh sẽ lấy ý kiến kế hoạch phục hồi kinh tế trong doanh nghiệp, sở, ngành. Trước kỳ họp Quốc hội lần này, UBND tỉnh sẽ tổng hợp đề xuất, kiến nghị, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, kèm theo tài liệu, văn bản cụ thể gửi Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu, hỗ trợ” - ông Phước thông tin.
“Trong kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chưa có dịp gặp lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển tải 16 ý kiến tại họp tổ, hội trường để đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung. Cùng với ý kiến của cử tri, cuộc họp lần này là dữ liệu, nội dung rất quan trọng, rất quý cho Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Thời gian qua, dịch bệnh ảnh hưởng nên Đoàn ĐBQH tỉnh không thể tổ chức tiếp xúc cử tri trực tiếp, phải chuyển qua nhiều hình thức mới, với sự đồng hành của HĐND và UBMTTQVN tỉnh, phương tiện thông tin đại chúng, mang lại hiệu quả cao, cần tiếp tục duy trì” - bà Trần Thị Thanh Hương bày tỏ.
Những vấn đề đặt ra tại cuộc họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận, đề xuất đến Trung ương qua nhiều cách, nhiều kênh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi với UBND tỉnh và các sở, ngành sàng lọc, xác định thêm vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ này, cho từng năm, vấn đề nào cần đặt ra với Quốc hội, Chính phủ… theo lộ trình cụ thể, phù hợp; cố gắng theo đuổi vấn đề từ đầu đến khi đạt kết quả mong muốn. Qua đó, tất cả có tiếng nói chung từ cử tri, lãnh đạo sở, ngành, UBND tỉnh đến Đoàn ĐBQH tỉnh, để làm tốt nhiệm vụ mà Đảng bộ, cử tri và nhân dân An Giang kỳ vọng.
GIA KHÁNH