Năng lượng hút dòng tiền
Giá trị giao dịch toàn Sở trong phiên hôm qua phục hồi 25% lên gần 3.600 tỷ đồng. Mặc dù chỉ số MXV-Index Năng lượng vẫn giảm, nhưng dòng tiền chảy vào nhóm hàng này vẫn tăng mạnh hơn 50% lên trên 2.000 tỷ đồng, cho thấy dầu thô vẫn đang là mặt hàng “hot” nhất hiện nay.
Giá dầu kết thúc trong sắc xanh sau một phiên giao dịch đầy biến động tối qua. Đóng cửa, giá WTI tăng 1,42% lên 66,5 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,32% lên 69,67 USD/thùng.
Thị trường rung lắc rất mạnh xung quanh các diễn biến từ cuộc họp của cuộc họp OPEC+. Ngay khi diễn ra cuộc họp, các kỳ vọng trái chiều về kết quả chính sách gia tăng sản lượng của nhóm trong tháng 1 đã khiến thị trường rung lắc mạnh và sau khi thông tin chính thức nhóm sẽ tăng sản lượng lên mức 400.000 thùng/ngày được đưa ra, giá dầu đã giảm gần 2 USD/thùng. Tuy nhiên đến cuối phiên lực mua bắt đáy kết hợp với việc OPEC+ để ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch tăng sản lượng trong một thời gian ngắn nếu cần thiết, khiến cho giá dầu bật tăng mạnh trở lại.
Nhóm kim loại đồng loạt giảm
Trong khi đó, sắc đỏ lại áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại. Giá bạc giảm 0,1% còn 22,28 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,22% còn 933,1 USD/ounce.
Xu thế giảm lại quay trở lại đối với hai mặt hàng kim loại quý, khi mà tín hiệu thắt chặt của FED được đưa ra vào giữa tuần không còn hỗ trợ cho triển vọng của bạc và bạch kim. Dòng tiền cũng đang quay trở lại với thị trường chứng khoán Mỹ sau phiên bán tháo vì ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Mỹ.
Ngoài ra, trong các loại tài sản trú ẩn an toàn, bạc và bạch kim đang khá lép vế so với mức lợi suất hấp dẫn của các loại Trái phiếu Chính phủ và tính thanh khoản cao của đồng USD đang ngày càng mạnh hơn.
Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, ngoại trừ đồng các mặt hàng khác đều đóng cửa giảm trong phiên hôm qua. Lực bắt đáy mạnh mẽ khi giá chạm mức 4,2 USD đã giúp cho giá đồng bật tăng 1,2% lên 4,3 USD.
Trên thị trường Thượng Hải (Trung Quốc), giá đồng giao ngay cao hơn 1 – 2% so với giá kỳ hạn nhưng vẫn ở xu hướng giảm so với hôm trước. Cụ thể, giá đồng giao ngay đạt khoảng 69.880 – 70.480 NDT/tấn, giảm 470 NDT. Trong khi đó, giá nhôm kỳ hạn khoảng 19.120 NDT tấn, còn giá nhôm giao ngay khoảng 18.860 – 18.900 NDT/tấn, cả hai đều tăng nhẹ so với hôm trước.
Thái Lan áp thuế CBPG HRC của Ai Cập và Việt Nam
Giá quặng sắt trên Sở Singapore giảm trở lại 2,3% về 101,1 USD/tấn. Sau những phiên hồi phục tích cực nhờ vào lực bắt đáy của các nhà đầu tư, và triển vọng phục hồi trong ngắn hạn khi mà các hạn chế của thị trường bất động sản được giảm bớt. Tuy nhiên, giá quặng sắt khó có thể kết thúc năm trên 100 USD, khi mà các hoạt động sản xuất thép còn tiếp tục bị thắt chặt.
Tuần này, Thái Lan đã thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cuộn cùng tấm cán nóng (HRC) từ Ai Cập và Việt Nam. Cụ thể, thép cán nóng nhập khẩu từ công ty EzzDekheila của Ai Cập sẽ chịu thuế 4,74%, còn lại chịu thuế 6,2%. Trong khi thép cán nóng của Formosa Hà Tĩnh chịu mức thuế 24,38%, các nhà sản xuất khác của Việt Nam chịu thuế 42,34%.
Các sản phẩm chịu thuế có độ dày từ 0,9 – 100 mm, chiều rộng 100 – 3.200 mm và thuộc nhóm HS 7208, 7211, 7225 và 7226. Cuộc điều tra chống bán phá giá bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái sau khi các nhà máy trong nước của Thái Lan đệ trình đơn kiện gồm Sahaviriya Steel Industries, G Steel, GJ Steel và Sahaviriya Plate Mill. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, lượng thép cán nóng từ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Thái Lan hiện nay không lớn nên mức độ ảnh hưởng của đợt áp thuế này có thể tác động không đáng kể.
Tại Trung Quốc, tỉnh Hà Bắc mới đây đã công bố xúc tiến việc chuyển đổi và nâng cấp các nhà máy thép trong khu vực, tăng cường tập trung năng lực sản xuất ở ven biển, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp thép ở Đường Sơn và Hàm Đan. Đến năm 2025, dự tính các công ty thép sẽ di dời khỏi những khu đô thị chính của thành phố.
Theo Báo Tin Tức