Giá dầu trên thị trường châu Á nối dài đà tăng trong phiên 5/5

05/05/2022 - 19:28

Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 65 xu Mỹ (0,6%), lên 108,46 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 85 xu Mỹ (0,8%), lên 110,99 USD/thùng.

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á nối dài đà tăng trong phiên giao dịch 5/5, do lo ngại về nguy cơ thắt chặt nguồn cung khi Liên minh châu Âu (EU) đề xuất áp đặt lệnh cấm dầu mỏ của Nga trong 6 tháng, nằm trong gói trừng phạt mới mà khối này nhắm vào xứ bạch dương do cuộc xung đột với Ukraine.

Động thái này đã lấn át lo ngại về nhu cầu dầu mỏ suy yếu của Trung Quốc.

Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 65 xu Mỹ (0,6%), lên 108,46 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 85 xu Mỹ (0,8%), lên 110,99 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng dầu kỳ hạn tăng hơn 1 USD vào đầu phiên, sau khi tăng hơn 5 USD vào phiên trước đó.

Đề xuất trừng phạt do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố và cần sự ủng hộ nhất trí của 27 quốc gia EU để có hiệu lực, bao gồm việc loại bỏ dần nguồn cung dầu thô của Nga trong sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022.

Nhà phân tích Vivek Dhar của CBA cho biết: “Đây có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với thị trường dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế.”

Tuy nhiên, EU phải đối mặt với nhiệm vụ tìm kiếm nguồn cung thay thế vào thời điểm giá năng lượng đang tăng mạnh.

EU nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga mỗi ngày, khối này cũng đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Một số nước Đông Âu lo ngại rằng đề xuất trên khiến họ không đủ thời gian để thích ứng.

Helima Croft, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường hàng hóa toàn cầu của RBC Capital Market, cho hay các câu hỏi lớn được đạt ra trước mắt là bao nhiêu quốc gia sẽ được miễn trừ khỏi quy định này, phạm vi của các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Nga sang các thị trường chủ chốt khác, và phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với động thái của châu Âu.

Ngày 5/5, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, được gọi là OPEC+, được dự báo sẽ nhất trí bơm thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng Sáu tới.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo tái khẳng định rằng không thể để các nhà sản xuất khác thay thế nguồn cung của Nga, song bày tỏ lo ngại về nhu cầu đối với nhiên liệu của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, do các lệnh phong tỏa liên quan tới đại dịch COVID-19.

Một cuộc khảo sát của khu vực tư nhân cùng ngày cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã giảm xuống gần mức thấp kỷ lục trong tháng 4/2022, dưới tác động của các biện pháp hạn chế do đại dịch.

Tại Iran, giá dầu tăng cao đã giúp nền kinh tế vốn phụ thuộc vào năng lượng của nước này “dễ thở hơn” và Iran không vội khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc trên thế giới để đổi lấy việc giảm bớt các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, tại Mỹ, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này chỉ tăng nhẹ 1,2 triệu thùng trong tuần trước./.

Theo Vietnam+