Giá gạo Ấn Độ, Việt Nam đều ở mức thấp

19/12/2021 - 08:08

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam phiên cuối tuần này giảm xuống còn 400-410 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 9-9, so với mức tương ứng 410-414 USD/tấn vào tuần trước.

Dây chuyền chế biến, đóng gói gạo thành phẩm tại nhà máy chế biến lương thực Long An (thuộc Vinafood 2). (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam hiện giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng do nhu cầu suy yếu, trong khi giá gạo tại các nước xuất khẩu lớn khác của châu Á vẫn ổn định trong tuần này.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam phiên cuối tuần này giảm xuống còn 400-410 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 9/9, so với mức tương ứng 410-414 USD/tấn vào tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu gạo đang suy yếu và tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn, giảm so với dự báo trước đó là 6,2-6,5 triệu tấn.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan không đổi ở mức 385-396 USD/tấn, giữa bối cảnh đồng baht không biến động so với đồng USD.

Các thương nhân tại Bangkok cho biết nhu cầu gạo từ các thị trường nước ngoài vẫn trầm lắng vào cuối năm, như họ đã dự kiến.

Còn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ duy trì ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016, chịu sức ép từ việc đồng rupee giảm giá khi nhu cầu thấp.

Loại gạo 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 351-356 USD/tấn, không đổi so với tuần trước.

Bangladesh, vốn là quốc gia sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới lại đang nổi lên như một nước nhập khẩu gạo lớn sau khi nguồn dự trữ cạn kiệt do lũ lụt, chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ thông qua các cảng đất liền.

Tuy nhiên, sản lượng gạo của Ấn Độ có thể giảm xuống 35,5 triệu tấn trong niên vụ 2021-22, giảm 0,8 triệu tấn so với năm trước.

Thị trường nông sản Mỹ

Trong phiên giao dịch cuối tuần 17/12, giá các mặt hàng nông sản tại thị trường Mỹ đều đi lên, dẫn đầu là mặt hàng đậu tương.

Chốt phiên này, tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) CBOT, giá ngô giao tháng 3/2022 tăng 2 xu Mỹ (0,34%), lên 5,9325  USD/bushel.

Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 3/2022 tăng 4,5 xu Mỹ (0,58%) lên 7,75 USD/bushel.

Đáng chú ý, giá đậu tương giao tháng 1/2022 dẫn đầu đà tăng của các mặt hàng nông sản trong phiên này, khi tiến 8 xu Mỹ (0,63%), lên 12,8525 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ đã giúp tạo điều kiện cho đà lên giá của các mặt hàng nông sản tại Mỹ. CBOT sẽ thêm phí bảo hiểm thời tiết vào giá nếu dự báo trên là chính xác.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng, mức đóng cửa trung bình hàng tuần của giá ngô là trên 5,92 USD/bushel và giá đậu tương là 12,95 USD/bushel sẽ giúp biểu đồ giá nông sản diễn biến theo hướng tích cực.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay Trung Quốc đã mua 133.000 tấn đậu tương Mỹ và bán 33.000 tấn dầu đậu nành cho Ấn Độ.

AgResource dự báo rằng Trung Quốc sẽ tiêu thụ 29-31 triệu tấn đậu tương Mỹ trong giai đoạn 2021-2022.

Thiệt hại từ trận siêu bão diễn ra trên khắp vùng đồng bằng và khu vực Trung Tây nước Mỹ vẫn đang được tính toán. Thời tiết trong 2-3 tuần tới sẽ giúp xác định khả năng "sinh tồn" của một số loại lúa mỳ.

Các khu vực trồng trọt ở phía Nam Brazil và Argentina trong 10 ngày tới sẽ chứng kiến lượng mưa hạn chế.

Trong khi đó, miền Bắc Brazil vẫn nhận được lượng mưa đầy đủ. Rủi ro về năng suất cây trồng ở Nam Mỹ đang tăng lên do mưa quá nhiều ở miền Bắc Brazil và hạn hán nặng ở miền Nam Brazil và miền Bắc Argentina.

Thị trường cà phê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe -London lấy lại đà tăng.

Giá càphê Robusta giao ngay tháng 1/2022 tăng 8 USD, lên 2.439 USD/tấn và giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 34 USD, lên 2.333 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York (Mỹ) tiếp tục sụt giảm. Giá càphê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 2,10 xu Mỹ, xuống 234,75 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 2,15 xu Mỹ, còn 234,85 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.

Nông dân tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông thu hoạch càphê Arabica. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Tại thị trường Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 200-300 đồng, lên dao dộng trong khoảng 42.500-42.800 đồng/kg.

Trong tháng 11/2021, giá xuất khẩu bình quân càphê của Việt Nam ước đạt 2.327 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 10/2021 và tăng 20,9% so với tháng 11/2020.

Tính chung 11 tháng kể từ đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.931 USD/tấn, tăng 10,7% so với ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020. Giá càphê cuối năm nay được dự báo có thể lên 43,5 triệu đồng/tấn.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định xuất khẩu càphê Robusta từ Việt Nam trong niên vụ 2021/2022 sẽ tăng nhẹ so với niên vụ trước đó, có thể do hàng tồn vụ cũ vì dịch COVID-19 và những vấn đề về logistics nên chưa xuất được chứ không phải do sản lượng tăng.

Đồng real của Brazil giảm 0,07 %, xuống ở mức 5,6840 real/USD do là ngày đồng loạt hết hạn hợp đồng quyền chọn trên nhiều thị trường phái sinh và nhiều đồng tiền mới nổi cũng điều chỉnh giảm trong giai đoạn cuối năm, đồng USD củng cố sức mạnh trước mối lo lạm phát toàn cầu và e ngại biến thể Omicron lây lan nhanh chóng.

Giá càphê Arabica tại Mỹ tiếp tục sụt giảm khi có thêm nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nâng mức lãi suất cơ bản sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã công bố sẽ nâng lãi suất cơ bản lên 0,25 %/năm và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) xác nhận sẽ giảm tốc độ mua tài sản kể từ năm tới.

Theo MINH TRANG (TTXVN)