Giá heo hơi hôm nay 16-4 ở miền Bắc: Tiếp tục đi lên
Giá heo hơi hôm nay 16-4 tại miền Bắc tiếp tục ghi nhận sự điều chỉnh theo chiều hướng đi lên ở nhiều địa phương, mức giá cao nhất thị trường đạt 90.000 đồng/kg.
Theo đó, tại Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, giá heo hơi hôm nay tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, lên 86.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc đạt 88.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với hôm qua.
Tại Hưng Yên, giá heo hơi cũng đạt 89.000 đồng/kg; một số nơi ở Ninh Bình đã ghi nhận mức giá heo hơi 90.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo hơi hôm nay 16-4 tại miền Trung cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, giá heo hơi tại Thanh Hoá, Nghệ An đạt đỉnh 83.000 đồng/kg; Hà Tĩnh duy trì giá heo ở ngưỡng 80.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Đăk Lăk, Lâm Đồng cũng đạt 80.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 16-4 ở miền Nam tiếp tục đà tăng của hôm qua, chủ yếu tại các tỉnh miền Tây. Giá heo hơi hôm nay tại các tỉnh thành phía Nam đang dao động quanh mức 77.000 - 83.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay ở Long An tăng 3.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg, Tiền Giang tăng phi mã 6.000 đồng/kg để lên mức 78.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu,... dao động trong khoảng 83.000 - 84.000 đồng/kg.
Nguồn cung thế giới sụt giảm
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về thị trường thịt gia súc tháng 3 cho biết, trong tháng 3-2020, thị trường lợn hơi thế giới vẫn chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có dấu hiệu bùng phát mạnh tại khu vực châu Âu và một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Philippines...
Cùng với đó sự bùng phát của dịch Covid-19 trên thế giới, đang ảnh hưởng đến hoạt động thương mại thịt lợn tại các nhà xuất, nhập khẩu lớn.
Báo cáo quý 1 năm nay của ngân hàng Rabobank, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu, thì sự lây lan của DTLCP trong những tháng gần đây đã dẫn tới sự thận trọng trong việc mở rộng sản xuất tại một số khu vực.
Covid-19 đã làm chậm quá trình tái đàn của thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Cụ thể, sản lượng thịt lợn của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020 được dự báo tăng khoảng 1% nhờ giá và nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, những bất ổn như đàm phán thỏa thuận thương mại Brexit và rủi ro DTLCP bùng phát trên các thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và thương mại thịt lợn của EU.
Cùng chung nhận định, báo cáo về thị trường nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 mới đây của công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor) cũng cho thấy, Covid-19 đã làm chậm quá trình tái đàn của thế giới, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia chiếm gần 50% sản lượng heo toàn cầu.
Covid-19 khiến nhiều nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn thuộc các tập đoàn lớn phải thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động do nhân viên có xét nghiệm dương tính với virus corona
Trong khâu kho vận, các chuyến hàng vào Trung Quốc bị kéo dài thời gian dỡ hàng do nhân viên tại nhiều cảng bị buộc phải tạm nghỉ. Tắc nghẽn tại các cảng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác, gây ra sự khan hiếm các container lạnh cũng như giá cước container tăng cao. Điều này gây trở ngại cho xuất khẩu thịt lợn của các quốc gia châu Âu như Canada, Brazil do các nước nhập không thể kiểm tra nhà máy giết mổ.
Tại Mỹ, giá heo trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) đã giảm xuống mức thấp nhất do tác động của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng thịt của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Căng thẳng trong nước
AgroMonitor đánh giá những căng thẳng trên thị trường thế giới đã góp phần làm gia tăng áp lực lên thị trường thịt lợn vốn đang căng thẳng trong nước. Trước hết là giao dịch biên mậu bị ảnh hưởng.
Do lo ngại về dịch bệnh, khu vực biên giới ở cả phía Việt Nam lẫn Trung Quốc đều kiểm soát chặt nên giao dịch biên mậu gần như đóng băng dù nhu cầu mua từ Trung Quốc nhiều.
Các nước láng giềng như Lào, Thái Lan và Campuchia đều tạm thời đóng cửa biên giới với nhau và với Việt Nam, khiến heo Thái không còn được đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Giá thịt lợn trong nước những ngày giữa tháng 4 vẫn đang ở mức cao
Trong nước, nhu cầu tiêu thụ ở các nhà hàng, quán ăn, các bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp giảm mạnh. Dù tiêu thụ tại các hộ gia đình vẫn tốt nhưng không thể bù đắp sức mua bị thiếu hụt từ các bếp tập thể.
Nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển giữa các vùng bị hạn chế cũng khiến các thương lái thận trọng khi đưa lợn từ miền Trung và miền Nam ra Bắc tiêu thụ.
Trong bối cảnh dịch bệnh như thế, các trại chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng trước tiên bởi giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng, đẩy giá thức ăn thành phẩm tăng. Chi phí này góp phần làm tăng giá thành sản xuất lợn.
Với người tiêu dùng, giá thịt lợn bán lẻ tại chợ tăng mạnh làm tăng giá nhiều mặt hàng khác cùng nhóm, khiến chi phí sinh hoạt tăng cao. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều hộ gia đình vốn đã khó khăn do dịch Covid-19 khiến thu nhập giảm sút.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có giá lợn hơi cao trên thế giới
Nguồn cung nội địa đang thiếu, dịch Covid-19 làm quá trình tái đàn vốn đã chậm, nay lại càng hạn chế do do giá giống và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
AgroMonitor nhận định, giá lợn hơi nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức giá cao ít nhất là hết năm 2020. Không chỉ vậy, khi dịch bệnh lắng xuống, hoạt động biên mậu sôi động trở lại do nhu cầu nhập heo của Trung Quốc là rất lớn sẽ là trợ lực giúp giá lợn Việt Nam tiếp tục giao dịch ở mức cao.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3-2020, tổng đàn lợn của cả nước ước giảm 17,5% so với cuối năm 2019. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I-2020 chỉ đạt 811.000 tấn; giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hiện vẫn nằm trong nhóm các nước có giá lợn hơi cao. Tính đến giữa tháng 3, Trung Quốc vẫn là quốc gia có giá lợn hơi cao nhất thế giới, trung bình đạt khoảng 118.000 đồng/kg; Việt Nam xếp ở vị trí thứ hai, trung bình đạt từ 72.000 – 83.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại Hàn Quốc đạt hơn 82.000 đồng/kg. Theo sau là Anh và Tây Ban Nha với giá lợn hơi lần lượt là 49.500 đồng/kg và 41.000 đồng/kg.
Theo Dân Việt