Giá lúa liên tục tăng, nông dân thấp thỏm chuyện hợp đồng mua bán

17/08/2023 - 14:22

Với sự biến động mạnh của thị trường thế giới, giá lúa trong nước cũng như tại tỉnh Đồng Tháp liên tục tăng.

Vận chuyển lúa Hè Thu về sân ở xã Tân Phú , huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Người trồng lúa ở Đồng Tháp vui mừng vì bán được giá cao hơn những vụ trước, nhưng đang thấp thỏm lo lắng vì chi phí sản xuất, phân bón tăng theo và hợp đồng mua bán với thương lái không ổn định, chắc chắn.

Còn hơn 2 tuần nữa là 1,2 ha lúa của ông Lê Văn Xệ ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh đến kỳ thu hoạch. Hơn 1 tháng trước, ông đã nhận cọc bán lúa OM-18 với giá 7.000 đồng/kg và nếu lúc thu hoạch, giá lúa thị trường cao hơn thì mỗi kilogam sẽ cộng thêm 50% số tiền chênh lệch.

Lúa bán giá cao hơn những vụ trước, ông Xệ rất mừng, nhưng chưa an tâm vì hợp đồng mua bán với “cò lúa” chỉ bằng lời hứa nên chưa đảm bảo khi bán sẽ có giá như mong muốn.

Ông Lê Văn Xệ chia sẻ, tuy đã nhận cọc của “cò lúa” là 7.000 đồng/kg nhưng theo thỏa thuận thì với giá lúa tăng như hiện nay, “cò lúa” phải nâng giá mua lên từ 7.500 đồng/kg trở lên. Với giá này, mỗi công ruộng ông lãi hơn 2 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với trước đây.

“Thỏa thuận là như vậy, còn thực tế như thế nào thì đến lúc thu hoạch lúa mới biết. Khi nào bán lúa xong, tiền vào túi mới chắc ăn” - ông Xệ cho hay.

Tuy còn khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch 2 ha lúa (giống OM-5451), ông Đào Thanh Khiết ở xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười đã nhận 6 triệu đồng tiền đặt cọc từ “cò lúa”.

Theo ông Đào Thanh Khiết, “cò lúa” đã đồng ý mua lúa của ông giá 8.000 đồng/kg, cao hơn 1.200 đồng/kg so với vụ trước đó (cách nay chỉ hơn 2 tháng). Vụ lúa này ông Khiết lãi cao nên rất phấn khởi. Theo ông Khiết, hiện giá lúa rất tốt nhưng chưa biết đến khi thu hoạch, “cò lúa” có giữ uy tín mua đúng giá thỏa thuận hay không. Thực tế trước đây, khi giá lúa thị trường sụt giảm, thấp hơn thỏa thuận khoảng 1.000 đồng/kg, ông đã bị “cò lúa” bỏ rơi, họ chấp nhận bỏ tiền cọc, không thu mua.

Dường như đã trở thành “luật bất thành văn”, từ lâu, không chỉ ông Xệ, ông Khiết mà nhiều nông dân phải bán lúa cho thương lái thông qua “cò lúa”. Khi giá rớt xuống “cò lúa” sẽ yêu cầu giảm, nếu không sẽ bỏ cọc, không thu mua; còn giá thị trường tiếp tục tăng, nông dân vẫn bán theo hợp đồng hoặc chỉ được tăng lên chút ít. Theo nhiều nông dân, trường hợp giá giảm, để đỡ thiệt hại, thương lái thường kéo dài ngày thu hoạch để độ ẩm trong hạt lúa thấp hơn. Bên cạnh đó, sau khi thu hoạch, “cò lúa” không nhanh chóng tiến hành thu mua mà “neo” lại vài ngày. Chỉ một thời gian ngắn trữ trong bao là lúa xuống màu, không còn đẹp, đây là một trong những lý do để “cò lúa” kỳ kèo, giảm giá thu mua.

Niềm phấn khởi vì giá lúa tăng chưa lâu thì nhiều nông dân lại canh cánh nỗi lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang nâng giá lên khá cao. Phân đạm tăng từ 450.000 lên 600.000 đồng/bao, phân DAP cũng tăng từ 600.000 đồng lên gần một triệu đồng mỗi bao. Trung bình từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch lúa mất khoảng 3 tháng, tốn nhiều chi phí như thuê làm đất, gieo sạ, phun xịt thuốc, nước tưới tiêu… và nhất là vật tư nông nghiệp. Trong khoảng thời gian đó, thị trường biến động, chưa chắc nông dân bán lúa được giá cao khi thu hoạch.

Ông Trần Văn Đằng ngụ xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) bộc bạch, giá lúa tăng, giá vật tư nông nghiệp cũng nâng lên theo. Vụ lúa này gần thu hoạch, ông không cần sử dụng phân, thuốc nên chưa bị ảnh hưởng nhiều. Ông Đằng đang rất lo trong vụ lúa tiếp theo, nếu tình hình vật tư nông nghiệp và các khoản chi phí khác tiếp tục leo thang như hiện nay thì ông cũng như nhiều nông dân khác sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận. Như vậy, nông dân chưa hẳn đã là người trực tiếp hưởng lợi từ thời cơ tăng giá lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát biểu nông thôn tỉnh Đồng Tháp, diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Để giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nhiều nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; thực hiện sạ hàng, sạ thưa; đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng chủ yếu trên cây lúa ở các khâu làm đất, gieo sạ và thu hoạch.

Ngoài ra, tỉnh triển khai một số mô hình mới hứa hẹn giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị sản xuất như sử dụng thiết bị bay không người lái trong xử lý dịch hại, sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm phát thải carbon…

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với Đồng Tháp, sản xuất lúa, gạo là ngành hàng chính, chủ lực của tỉnh. Địa phương quan tâm sản xuất theo hướng giống lúa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước.

Nông dân mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật như 1 phải 5 giảm, canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP... Đồng Tháp được đánh giá là một trong những tỉnh áp dụng các giải pháp, có giá thành sản xuất lúa thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cơn “sốt” giá lúa, gạo gần đây đã giúp nông dân có lãi cao hơn những vụ trước. Tuy nhiên, hiện nay, hạt lúa phải “cõng” quá nhiều chi phí. Trong bối cảnh giá lúa tăng, giá vật tư nông nghiệp và những khoản chi phí khác cũng đội lên thì việc giá lúa liên tục tăng chưa hẳn người nông dân đã có thể hưởng lợi. Bà con nông dân rất mong cơ quan chức năng có giải pháp bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp; hỗ trợ cắt giảm các khâu trung gian từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm thiểu tối đa chi phí.

Theo TTXVN