Trẻ tiêm vaccine cúm mùa.
Số người tiêm vaccine cúm mùa tăng 300%
Tại Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến 17/7 đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, trong tháng 6 đã ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với số mắc ghi nhận trong tháng 5.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng người dân đến tiêm vaccine phòng cúm mùa tại Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC tăng cao, tăng 300-400% so với tháng trước.
Sự gia tăng này diễn ra ở mọi độ tuổi gồm trẻ nhỏ, người trưởng thành, người cao tuổi, và đối tượng phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, thuyên tắc phổi mãn tính-COPD,...), người bệnh ung thư, người suy giảm miễn dịch.
Đặc biệt, trong hai tháng qua, có hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan đăng ký tiêm vaccine cúm cho người lao động với số lượng 200-2.000 người mỗi đơn vị.
Có mặt từ rất sớm tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC ICON 4 Cầu Giấy, chị Hoàng Thị Lan H. (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay, nhà chị vừa rồi cả hai vợ chồng và con trai lớn đều bị nhiễm cúm. Do chưa tiêm vaccine nên con trai lớn phản ứng khá nặng, sốt cao liên tục, bội nhiễm sang viêm xoang mũi họng cả tháng nay chưa dứt điểm. Vì thế, nhà chị đã đưa hai cô con gái song sinh 5 tuổi đi tiêm.
"Hai cháu sinh đôi thiếu tháng nên sức đề kháng kém. Hằng năm tôi vẫn tiêm cúm cho cháu, nhưng 2 năm qua vì dịch Covid-19, gia đình lơ là. Vì thế, lần này tôi phải cho cháu tiêm cúm mùa để tránh nguy cơ bị nhiễm cúm sẽ nặng như anh trai cháu", chị H. cho hay.
Cũng như chị H., chị Triệu Thị T. (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) cho hay cô con gái 5 tuổi của mình nhiễm cúm A rất nặng, phải nhập viện điều trị một tuần.
"Bé sốt cao liên tục không hạ, bội nhiễm toàn bộ khoang miệng, cứ ăn uống là nôn, cơ thể gầy rộc. Lúc vào viện bé có triệu chứng bị bội nhiễm hô hấp. May mắn nhờ nhập viện kịp thời nên 5 ngày điều trị bé đã dứt điểm sốt. Sau khi con khỏi được 4 tuần, tôi cho cháu đi tiêm cúm mùa", chị T. kể.
Bảo đảm nguồn cung vaccine cúm mùa.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, số người đến tiêm vaccine phòng bệnh cúm tăng cao. Nếu như tháng 6, số người đến tiêm chỉ khoảng gần 200 người thì từ ngày 1-18/7, lượng người đến là gần 300.
Theo bác sĩ Đinh Thị Hảo, Trung tâm tiêm chủng VNVC ICON4 Cầu Giấy, hiện nay nhiều người vẫn cho rằng cúm là bệnh thông thường, có thể tự khỏi, hoặc nhầm lẫn với cảm xoàng, đó là suy nghĩ sai lầm và chủ quan, dẫn đến lơ là trong phòng ngừa và điều trị, tăng nguy cơ biến chứng nặng gây tử vong hoặc gánh chịu các di chứng bệnh tật nặng nề.
Năm 2019 cả nước ghi nhận gần 409.000 trường hợp mắc cúm, trong đó có 10 trường hợp tử vong.
Cúm có thể gây biến chứng nặng trên hệ hô hấp, biến chứng ở hệ thần kinh trung ương hoặc suy đa cơ quan như: viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, viêm cơ tim, suy gan, suy thận…
Cúm cũng “châm ngòi” các bệnh lý tim mạch ở trẻ em và người lớn như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và gây nặng hơn các bệnh lý ở người có sẵn bệnh hen suyễn, đái tháo đường, thuyên tắc phổi mãn tính COPD.
Virus cúm gây gia tăng từ 6-10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng 100 lần nguy cơ viêm phổi, thúc đẩy những cơn kịch phát ở bệnh nhân COPD, hen suyễn,...
Hiện nay, dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại, nếu đồng nhiễm cùng lúc cúm và Covid-19, nguy cơ tăng mức độ biến chứng nặng, dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ tử vong tăng cao.
Thời điểm nào tiêm vaccine cúm sẽ hiệu quả nhất
Vaccine cúm, đặc biệt là vaccine cúm tứ giá thế hệ mới giúp phòng ngừa 4 chủng cúm A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata và B/Victoria hiệu quả lên đến 90%; giảm tỷ lệ tử vong 70-80%; giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc.
Trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ dịch chồng dịch như hiện nay, chủ động tiêm vaccine cúm giúp loại trừ những triệu chứng dễ nhầm lẫn, tránh nguy cơ đồng nhiễm hoặc bội nhiễm virus, vi khuẩn khác.
Vaccine cúm giảm nguy cơ chăm sóc đặc biệt - ICU đến 26% ở người lớn và 74% ở trẻ em, từ đó giảm chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật do cúm.
Virus cúm có hệ số lây nhiễm R0 cao và thách thức y học hiện đại vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, ai cũng có thể lây nhiễm bệnh, do đó trẻ em, người lớn đều cần tiêm chủng vaccine đầy đủ.
Đặc biệt, nên ưu tiên sớm vaccine cho trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, COPD,...), người bệnh ung thư, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng dễ gặp phải biến chứng nặng, khó khăn trong điều trị và nguy cơ tử vong cao nếu mắc cúm.
Theo bác sĩ Hảo, ở Việt Nam, nghiên cứu dịch tễ học cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3-4, tháng 9-10 hằng năm, có xu hướng gia tăng trong mùa xuân và mùa đông.
Trẻ em và người lớn có thể đi tiêm phòng cúm vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm vaccine trước đỉnh dịch cúm 1 tháng và có thể tiêm vaccine cúm mùa cùng thời điểm với các vaccine khác nhưng trên vị trí khác nhau.
Hiện nay, Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine cúm tứ giá thế hệ mới nhất cho người dân như Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc) phòng tất cả các chủng cúm A và B nguy hiểm tại Việt Nam.
Trong đó, vaccine phòng cúm mùa 4 chủng bất hoạt Quadrivalent (2 chủng nhóm A và 2 chủng nhóm B) có thể sử dụng cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi giúp phòng bệnh theo khuyến cáo WHO hằng năm cho các quốc gia bắc bán cầu.
Vaccine này có thể sử dụng an toàn trên phụ nữ có thai, trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vaccine cúm mùa có thể bảo vệ được bản thân và cả em bé sau khi sinh. Hiện chưa ghi nhận được biến cố nghiêm trọng của vaccine phòng cúm mùa bất hoạt đối với thai nhi và thai phụ.
Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi cần tiêm vaccine cúm với phác đồ 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 1 tháng, sau đó cần tiêm nhắc lại mỗi năm một lần để duy trì miễn dịch. Người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine cúm và tiêm nhắc hằng năm để duy trì miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Theo TRẦN LAM (Báo Nhân Dân)