Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước phát triển nghệ thuật quân sự tài tình của QĐND Việt Nam, trực tiếp là nghệ thuật chiến dịch phản công. Ảnh: TTXVN
Đây là thắng lợi của một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược, tạo ra cục diện và thời cơ mới đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển đến thắng lợi hoàn toàn. Nửa thế kỷ đã trôi qua, ý nghĩa và những bài học lịch sử từ thắng lợi này vẫn vẹn nguyên giá trị sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết: “Giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971” của Đại tá Đỗ Mạnh Cường, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Đảng
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là thành công xuất sắc của Đảng ta trong lãnh đạo và điều hành chiến tranh cách mạng, thông qua việc xác định chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong tổ chức, chỉ huy các đơn vị thực hành thắng lợi chiến dịch phản công lớn nhất trong mùa Xuân năm 1971.
Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường vào chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Trong chiến dịch này, bộ đội ta chuẩn bị hỏa lực mạnh chưa từng có, ngoài phòng không thì pháo binh, xe tăng cũng rất mạnh. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN
Trước hết, đó là thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, thể hiện trong việc quyết định mở chiến dịch phản công kịp thời và chỉ thị cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhất thiết phải tổ chức đánh thắng trận này. Đồng thời, Bộ Chính trị quyết định thành lập Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (Bộ Tư lệnh 702) do Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng làm đại diện Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tập trung lực lượng lớn cho chiến dịch gồm 5 sư đoàn bộ binh, 26 trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng và hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn tại chỗ thuộc Đoàn 559, Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5), Quân khu Trị - Thiên (B4)… cùng phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang và nhân dân Lào.
Việc kịp thời tổ chức Bộ Tư lệnh 702, điều động, tập trung lực lượng lớn, chủ động bố trí thế trận đánh địch thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của Bộ Thống soái tối cao trong ứng phó với âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên chiến trường Đông Dương nói chung và khu vực Đường 9 - Nam Lào nói riêng. Những quyết sách chính xác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khiến kẻ địch bị bất ngờ, nhanh chóng mất thế chủ động tiến công, rơi vào bị động, lúng túng đối phó và chịu thất bại.
Dưới sự yểm trợ của pháo binh, từ 16 - 18/3/1971, các lực lượng thuộc Sư đoàn 2 thực hiện trận then chốt tiêu diệt Trung đoàn 1 Ngụy ở điểm cao quan trọng 723 nằm trong dãy Phu Rệp, phía Nam Đường 9 và sông Sê Pôn. Trong trận này, ta diệt và bắt sống 1.700 tên, bắn rơi nhiều máy bay, thu hàng trăm vũ khí và nhiều phương tiện, quân trang, quân dụng. Ảnh: Hồng Thụ/TTXVN
Thành công trong chủ trương chiến lược của Đảng còn thể hiện ở sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng tham gia chiến dịch. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh, Đảng ủy Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, các lực lượng tham gia chiến dịch đã nêu cao quyết tâm vượt qua gian khổ, ác liệt, thử thách, hy sinh, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 trong hơn 50 ngày đêm, đập tan kỳ vọng của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta
Để kịp thời động viên bộ đội, sát ngày mở màn chiến dịch, Bộ Chính trị gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, nhấn mạnh: “Nhất thiết đánh thắng trận này... vì đây là một trong những trận quyết định về chiến lược”. Thư của Bộ Chính trị được quán triệt sâu rộng, làm cho tinh thần của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi.
Nghệ thuật chỉ đạo chiến thuật trong chiến dịch ở chỗ bộ đội ta vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo, lần lượt làm thất bại các thủ đoạn tác chiến, hình thức chiến thuật của địch, từng bước đẩy địch từ thế chủ động tiến công sang bị động đối phó, tạo thời cơ thuận lợi để ta thực hành phản công, chuyển từ phản công sang tiến công giành thắng lợi quyết định. Ảnh: TTXVN
Cùng với việc quán triệt bức thư của Bộ Chính trị, cơ quan chính trị các cấp tích cực phổ biến, quán triệt tư tưởng liên tục tiến công, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Mặc dù thời gian chuẩn bị khẩn trương, nhưng Bộ Tư lệnh 702 và đảng ủy, chỉ huy các đơn vị đã khắc phục khó khăn, động viên và tổ chức bộ đội chấp hành nghiêm mệnh lệnh, triển khai tác chiến đúng kế hoạch, thời gian, kiên quyết chặn địch, nhất là ở Bản Đông, đẩy địch vào tình thế bị động đối phó và bị tiêu diệt từng bộ phận, từng cụm quân. Quá trình tiến hành chiến dịch, tuy chiến đấu trong điều kiện ác liệt, dài ngày với lực lượng địch đông, hỏa lực mạnh và khả năng cơ động cao, nhưng bộ đội ta vẫn nêu cao tư tưởng liên tục tiến công và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không quản ngại hy sinh, gian khổ, giữ vững trận địa.
Trong mưa bom, bão đạn, cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch luôn nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, khó khăn không nản, ác liệt không sờn, kiên cường đánh chặn, dũng mãnh tiến công, truy kích địch; luôn chủ động, sáng tạo giải quyết đúng, kịp thời các tình huống. Có thể khẳng định, phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.
Đánh bại một bước cơ bản trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 là cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tiến hành cuộc hành quân này, địch huy động toàn bộ lực lượng tổng trù bị chiến lược, cùng lực lượng cơ động của Quân khu 1/Quân đoàn 1, lực lượng tiếp vận của quân đội Sài Gòn, hai binh đoàn cơ động quân đội phái hữu Lào tham gia phối hợp, với sự yểm trợ của quân Mỹ; tổng quân số lúc cao nhất lên tới 55.000 tên. Bằng lực lượng hùng hậu đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn hy vọng sẽ đánh chiếm được Sepon, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, bóp nghẹt cuộc kháng chiến của quân và dân ta.
Nữ chiến sĩ quân giải phóng canh giữ tù binh Ngụy bị bắt. Kết thúc chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên hai vạn tên địch, đánh thiệt hại nặng 6 trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh; phá hủy 1.100 xe, hơn 100 khẩu pháo lớn, bắn rơi 550 máy bay; bắt hơn 1.000 tù binh, thu hàng nghìn khẩu súng và trang bị quân sự. Ảnh: TTXVN
Với việc đánh bại cố gắng cao nhất của địch, thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là vô cùng to lớn, toàn diện. Sau thất bại này, địch buộc phải chuyển vào thế phòng ngự theo khu vực và theo tuyến từ Tây Bắc đến Đông Nam. Thua đau ở Đường 9 - Nam Lào, cùng với thất bại nặng nề ở Tây Nguyên, Campuchia trong hai cuộc hành quân Quang Trung 4 và Toàn Thắng 1-71 đã làm tiêu tan hoàn toàn kỳ vọng xây dựng quân đội thiện chiến cho chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam
Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nghệ thuật chiến dịch phản công của Quân đội ta phát triển lên một trình độ khá hoàn thiện. Chiến dịch diễn ra trong 3 đợt: Đợt 1, địch điều động, bố trí lực lượng, ta triển khai thế trận, chuẩn bị đánh địch; đợt 2, địch chiếm bản Đông, tìm cách phát triển lên Sepon, ta từng bước và quyết tâm chặn địch tại Bản Đông; đợt 3, địch co cụm, rút lui, ta chuyển sang tiến công, đánh địch rút chạy, chủ động kết thúc chiến dịch. Quá trình chặn địch, phản công và tiến công địch là quá trình chuyển hóa linh hoạt, phá vỡ thế trận của địch, phát triển thế trận của ta từ ngăn chặn sang tiến công, truy kích địch tháo chạy, bảo đảm cho các lực lượng tham gia chiến dịch hiệp đồng chặt chẽ, hỗ trợ nhau xử trí kịp thời các tình huống trong tác chiến.
Nghệ thuật chiến dịch còn thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các hướng chiến dịch, giữa lực lượng chủ lực cơ động với lực lượng tại chỗ trên địa bàn rừng núi, thưa dân; lực lượng tại chỗ liên tục ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cơ động tập trung đánh những đòn tiêu diệt lớn quân địch. Đó còn là nghệ thuật phối hợp giữa quân đội hai nước Việt Nam - Lào trong phạm vi chiến dịch và nghệ thuật nắm thời cơ, chủ động kết thúc chiến dịch đúng lúc.
Cán bộ quân giải phóng giải thích chính sách khoan hồng của Mặt trận dân tộc giải phóng cho tù binh Ngụy. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2 vạn tên địch, bắt hơn 1.000 tù binh. Ảnh: TTXVN
Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển phong phú về vận dụng các hình thức chiến thuật: Kết hợp phòng ngự với tiến công, bao vây đột phá tiêu diệt các cụm lực lượng có xe tăng, thiết giáp; kết hợp chốt chặn đánh địch đổ bộ đường không với cơ động tiêu diệt địch ở điểm cao; vây quét địch và truy kích địch rút chạy. Thành công về vận dụng chiến thuật trong chiến dịch là đánh bại thủ đoạn chiến thuật chốt điểm cao, đột phá bằng xe tăng, thiết giáp, căn cứ hỏa lực, nhất là chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng của địch.
Biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu giữa Quân đội và nhân dân Việt Nam - Lào
Từ nửa cuối năm 1970 đến tháng 1/1971, bộ đội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Quân giải phóng nhân dân Lào mở nhiều cuộc tiến công địch trên đất Lào, giải phóng một số vùng thuộc phía Đông Boloven, Huội Sài, Pha Lan, Sê Sàng Soi; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sau lưng địch. Trong thời gian này, các chuyên gia Đoàn 565 đã cùng với Đoàn 968 Quân Tình nguyện Việt Nam tập trung giúp Quân khu Trung Lào huy động lực lượng, triển khai thế trận, phối hợp với bộ đội Việt Nam tiến công quyết liệt vào các vị trí của địch.
Xe bọc thép của địch phơi xác khắp mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Ảnh: Nghĩa Dũng/TTXVN
Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quân và dân Việt - Lào đã bẻ gãy từng hướng tiến công, đánh bại cuộc tiến quân của địch. Từ ngày 12/2 đến 3/3/1971, bộ đội chủ lực Việt Nam tiến công diệt gọn quân địch trên các điểm cao 500 và 543. Trong khi đó, ở phía Tây Đường 9, lực lượng Pathet Lào đã tiến công các binh đoàn cơ động GM31, GM33 của quân đội phái hữu Lào, không cho chúng phối hợp với quân đội Sài Gòn. Trên hướng Đông, các đơn vị bộ đội Lào cũng tích cực chiến đấu, tiêu diệt địch ở các điểm cao 723, 560... Những cuộc chiến đấu của bộ đội Lào đã góp phần làm đảo lộn kế hoạch phối hợp chiến đấu của địch, tạo điều kiện để các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam đẩy mạnh tiến công, giành thắng lợi.
Đánh giá về ý nghĩa thắng lợi ở Đường 9 - Nam Lào, Trung ương Đảng hai nước Việt Nam, Lào khẳng định: “Thắng lợi ở Đường 9 - Nam Lào đã đánh gục vai trò nòng cốt của quân ngụy Sài Gòn trong âm mưu “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của Mỹ, mở ra triển vọng mới cho cách mạng Lào và toàn bộ chiến trường Đông Dương. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam, mà còn là sự khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam - Lào trong suốt cuộc kháng chiến”.
Sức lan tỏa của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào vượt ra khỏi giới hạn cả về mặt không gian và thời gian; xứng đáng là một trong những “bản anh hùng ca” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là dịp để nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về những giá trị lịch sử và hiện thực to lớn của chiến dịch, từ đó vận dụng phù hợp vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo TTXVN/Báo Tin tức