Giá trị trường tồn của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

09/01/2024 - 06:12

 - Thông qua Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946, lần đầu tiên người Việt Nam thực hiện quyền làm chủ của mình. Gần 80 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa của ngày 6/1/1946 lịch sử vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Chỉ 1 ngày sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên đều được bỏ phiếu, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống... Bác Hồ cho rằng, một trong những điều cần thiết đầu tiên của một Nhà nước là Hiến pháp, mà muốn có Hiến pháp phải có Quốc hội. Vì thế, mặc dù phải ra sức thực hiện 6 nhiệm vụ cấp bách, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác Hồ vẫn đề ra nhiệm vụ tối quan trọng này.

 Đang đối phó với thù trong, giặc ngoài, điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, nhưng công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử được diễn ra rất khẩn trương, chu đáo, rộng khắp. Các ban bầu cử thành lập tới tận làng xã, UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Quần chúng giới thiệu người ra ứng cử, nhiều người tài đức tự ra ứng cử. Khi hoàn tất thủ tục, danh sách cử tri và ứng cử viên được niêm yết công khai, phát loa thông tin cho mọi công dân biết. Đặc biệt, quần chúng tranh luận, trao đổi sôi nổi, chất vấn để lựa chọn người xứng đáng nhất làm đại diện cho mình. Trong đó, xem xét kỹ lưỡng phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử “đục nước béo cò”, tranh giành quyền lực, trục lợi cho bản thân, bè phái.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri tháng 2/1946

 Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”. Bác nói: “Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình gánh vác việc nước nhà. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử. Ngày mai, là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Sáng 6/1/1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên diễn ra sôi nổi trên cả nước. Ở các tỉnh Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới sự “dòm ngó”, ruồng bố và bom đạn của giặc Pháp; các tỉnh ở phía Bắc phải đối phó với âm mưu phá hoại tinh vi, trắng trợn của kẻ thù.

Với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 89%, Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước thành công tốt đẹp. Quốc hội bầu ra 333/403 đại biểu. Trong đó, 57% đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% đại biểu không đảng phái; 87% đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Ở Hà Nội, gần 92% cử tri của 74 khu nội thành, 118 làng xã ngoại thành đi bỏ phiếu trong không khí phấn khởi của ngày hội dân chủ đầu tiên. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Trong thành phần của Quốc hội, có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, từ thương gia, nhân sĩ trí thức, nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đến các thành phần tôn giáo, dân tộc, đại biểu cách mạng lão thành, đại biểu đảng phái chính trị, những người không đảng phái.

Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là kết quả của sự hy sinh to lớn, tranh đấu bền bỉ, anh dũng của tổ tiên ta, là kết quả của sự đoàn kết, phấn đấu của toàn thể đồng bào ta, không kể già, trẻ, lớn, bé, tôn giáo, thành phần, dân tộc trên bờ cõi Việt Nam không sợ hy sinh, nguy hiểm, đoàn kết thành một khối đấu tranh giành lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Sau đó, đất nước có chiến tranh, hai miền chia cắt nên không thể tổ chức cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khóa mới. Trong suốt nhiệm kỳ, các vấn đề được ủy quyền cho Ban Thường vụ Quốc hội giải quyết. Đây là nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt trong lịch sử 78 năm của Quốc hội – dài nhất, đến 14 năm (1946 – 1960). Tại kỳ họp thứ 12 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I - Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của Nhân dân".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri tháng 2/1946

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra thời kỳ mới của đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về pháp lý, đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Thắng lợi này là thực hiện đường lối sáng suốt, chủ trương tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đáp ứng khát vọng độc lập, tự do của người dân, cũng chứng minh niềm tin tuyệt đối vào tinh thần yêu nước; biểu thị sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện, phát huy tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, đóng góp hiệu quả trong công tác lập pháp, giám sát; tham gia quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Điều này càng khẳng định, những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn kịp thời, đúng đắn và trường tồn trong lịch sử Việt Nam.

NGUYỄN RẠNG