Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Mỹ sắp tiến gần tới thời điểm điều chỉnh chính sách tiền tệ. USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, thúc đẩy nhu cầu vàng tăng.
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đứng ở mức 100,94 điểm.
Giá dầu thô Nymex cao hơn và giao dịch quanh mức 69,75 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn đang giảm và đạt 3,648%.
Trên thị trường ngoại hối, theo David Morrison, chuyên gia của Trade Nation, đồng yen Nhật tiếp tục mạnh lên. Tỷ giá USD/JPY giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12. Điều này phù hợp với triển vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất và Ngân hàng Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thông báo cắt giảm lãi suất thêm 0,25%, xuống còn 3,5%. Đây là lần thứ 2 trong năm nay, ECB cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế khu vực đang tránh được nguy cơ suy thoái.
Trong phiên trước đó, giá vàng thế giới giao ngay tăng mạnh, đạt 2.572 USD/ounce, xác lập đỉnh lịch sử mới của kim loại quý.
Chốt phiên 13/9, giá vàng miếng 9999 tại SJC là 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 80,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji niêm yết ở mức 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 80,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Dự báo giá vàng
Theo các chuyên gia, Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tuần tới, đó là bằng chứng cho thấy USD đang suy yếu, điều này tác động tích cực đến giá vàng.
Theo Khảo sát Dự trữ Vàng của Ngân hàng Trung ương năm 2024 do Hội đồng Vàng Thế giới thực hiện, 29% số người được hỏi có kế hoạch tăng lượng vàng nắm giữ trong vòng 12 tháng tới, tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2018.
Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa của ING, nhận định việc Fed cắt giảm lãi suất được mong đợi từ lâu, sẽ đưa vàng xuyên phá các mức cao mới. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng thúc đẩy đà tăng của giá vàng cho đến cuối năm.