Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ ETF vàng ghi nhận tháng thứ 9 liên tiếp bán ra, giảm số lượng vàng nắm giữ, dù giá vàng ở mức cao nhất mọi thời đại.
Từ đầu năm tới nay, lượng vàng bán ra từ các quỹ giá trị lên tới 5,7 tỷ USD, chủ yếu ở các quỹ khu vực Bắc Mỹ (chiếm 4,7 tỷ USD). Đây là mức rút vốn cao nhất từ các quỹ ETF vàng ở khu vực này trong hai tháng đầu năm, từ trước tới nay (trừ năm 2013).
Trong hai tháng đầu năm, khối lượng vàng do các quỹ ở Bắc Mỹ nắm giữ giảm 37 tấn, xuống 1.570 tấn.
Trong khi đó, lượng vàng nắm giữ ở các quỹ ETF tại châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên.
Dữ liệu trong tháng 2, các quỹ ETF vàng tiếp tục giảm 2,9 tỷ USD, tổng giá trị nắm giữ còn 206,3 tỷ USD. Khối lượng vàng vật chất ở các quỹ giảm 49 tấn, xuống còn 3.126 tấn, ghi nhận tháng thứ chín liên tiếp suy giảm.
Các quỹ ETF vàng ở châu Âu bị rút ròng 719 triệu USD trong tháng 2, đánh dấu tháng rút ròng thứ chín liên tiếp.
Tuy nhiên, theo WGC, lượng vốn rút ròng từ các quỹ ETF trên toàn cầu trong tháng trước giảm xuống mức thấp, kể từ tháng 10 năm ngoái.
Thị trường vàng sôi động từ đầu năm. Ảnh: RT
WGC nhận định, sự phục hồi của lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và đồng USD mạnh hơn, càng gây áp lực lên giá vàng và lượng nắm giữ của các quỹ ETF trong khu vực. Chứng khoán Mỹ nóng lên, khiến nhà đầu tư chuyển sự chú ý khỏi vàng.
Trái ngược với động thái bán ra của đa số quỹ ETF trên toàn cầu, nhóm ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng. Lượng mua từ ngân hàng trung ương các nước vượt 1.000 tấn mỗi năm trong 2022-2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp, các ngân hàng trung ương mua trên 1.000 tấn vàng.
Krishan Gopaul, nhà phân tích thị trường tại WGC, cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã mua thêm 12 tấn vàng trong tháng 2. Hiện dự trữ vàng của ngân hàng này là 2.257 tấn.
Báo cáo của WGC cho thấy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua vàng nhiều nhất, với 225 tấn trong năm ngoái. Tuy nhiên, vàng mới chiếm trên 4% tổng dự trữ của cơ quan này. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng trong thời gian tới.
WGC nhận định, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu ưa chuộng vàng làm tài sản dự trữ bởi tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời.
Theo Bloomberg, các ngân hàng trung ương thế giới không thoải mái về việc sở hữu quá nhiều USD khi Mỹ đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lớn - yếu tố gây ra lạm phát cao.
Từ đầu năm, giá vàng liên tiếp chạm các mức cao kỷ lục mới. Phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng nhảy vọt lên tới 2.200 USD/ounce, vượt qua mốc kỷ lục vừa ghi nhận một ngày trước đó là 2.159 USD/ounce.
Ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường của WGC, cho biết việc đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất đang thúc đẩy giá vàng. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương tiếp tục rất mạnh mẽ.
Về dự báo giá vàng trong thời gian tới, ông Phil Carr, chuyên gia của FxEmpire, nhận định kịch bản rất đáng tin cậy là giá vàng sẽ đạt mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay.
Giá vàng trên sàn Kitco chốt phiên 16/3 giao dịch ở mức 2.155 USD/ounce, giảm 0,27% so với đầu phiên. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 2.159 USD/ounce.
Giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 79,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,7 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 79,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,72 triệu đồng/lượng (bán ra).
DOJI Hà Nội niêm yết ở mức 79,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,4 triệu đồng/lượng (bán ra). DOJI TP.HCM mua vàng SJC ở mức 79,4 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 81,4 triệu đồng/lượng.
Theo DUY ANH (Vietnamnet)