Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 13-9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 chững ở mức 94 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 87,92 USD/thùng, tăng 0,16 USD, tương đương 0,18%.
Giá xăng dầu tăng nhẹ bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Reuters
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng nhẹ. Giá dầu thô Brent giao tháng 11 tăng 1,16 USD, tương đương 1,3%, lên mức 94 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 99 cent, tương đương 1,1%, lên mức 87,78 USD/thùng.
Trong ngày 12-9, Bộ Năng lượng Mỹ công bố dự trữ dầu khẩn cấp của nước này giảm 8,4 triệu thùng xuống còn 434,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9-9 - mức thấp nhất trong 38 năm.
Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 6 tháng từ kho dự trữ dầu chiến lược để “hạ nhiệt” giá nhiên liệu cao của Mỹ - một trong những nhân tố góp phần làm tăng lạm phát ở nước này.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã nói với Reuters rằng chính quyền Biden đang cân nhắc nhu cầu giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược sau khi chương trình hiện tại kết thúc vào tháng 10.
Nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5-12.
Bộ trưởng Tài chính các nước G7 sẽ thực hiện áp giá trần đối với dầu của Nga để hạn chế doanh thu xuất khẩu dầu của nước này, đồng thời thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng dầu vẫn có thể “chảy” đến các quốc gia mới nổi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng mức giá trần có thể khiến giá dầu và giá xăng của Mỹ tăng cao hơn nữa trong mùa đông này.
Trong một diễn biến khác, ít có tín hiệu về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Điều này có nghĩa là nguồn dầu bổ sung đầy kỳ vọng của Iran sẽ khó có mặt trên thị trường và nguồn cung toàn cầu sẽ ngày càng bị thắt chặt hơn.
Tin tức dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm đẩy giá dầu tăng. Ảnh minh họa: Reuters
Nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm nay có thể giảm lần đầu tiên sau hai thập kỷ do chính sách “Không Covid” của Bắc Kinh khuyến khích người dân ở nhà trong các kỳ nghỉ và giảm tiêu thụ nhiên liệu.
Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường tại IG nhận xét, các hạn chế của Trung Quốc và sự điều tiết hơn nữa trong các hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ kiềm chế giá dầu tăng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chuẩn bị tăng lãi suất để giải quyết vấn đề lạm phát. Sự tăng lãi suất này có thể củng cố đồng USD khiến giá của đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư.
Bob Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tại Mizuho cho biết: “Đồng USD mạnh sẽ có mối tương quan ngược với hàng hóa được định giá bằng USD và có khả năng sẽ là lực cản đối với đà tăng của thị trường năng lượng”.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13-9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.231 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.215 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.180 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.418 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.039 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành giá chiều 12-9, giá xăng dầu trong nước nói trên đã được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm hơn 1.000 đồng/lít (kg). Đây là lần giảm giá thứ hai liên tiếp của mặt hàng xăng trong nước.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 10 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Theo MAI HƯƠNG (Quân đội nhân dân)