Đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu dự báo, giá xăng hôm nay có thể tăng từ 900 - 1.300 đồng/lít, giá các loại dầu có thể tăng nhẹ hơn, từ 500 - 1.000 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn, mức tăng có thể cao hơn, từ 1.000 - 1.500 đồng/lít.
Nguyên nhân là do giá xăng dầu trên thế giới những ngày gần đây biến động liên tục và chủ yếu theo xu hướng tăng mạnh. Vì thế nhiều khả năng liên bộ Tài chính - Công Thương cũng sẽ điều chỉnh tăng giá trong nước theo quy luật thị trường.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cũng ghi nhận giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này tăng so với kỳ điều hành trước đó (ngày 21/7).
Theo đó, bình quân giá xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5) tại Singapore cập nhật từ 24-26/7 là 99,12 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 là 104,8 USD/thùng. Trong khi ở chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore là 93,12 USD/thùng, giá xăng RON95 là 98,92 USD/thùng.
Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON92 tăng 6 USD/thùng, bình quân giá xăng RON95 tăng 5,88 USD/thùng. Tương tự, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật từ ngày 24-26/7 cũng tăng so với chu kỳ trước.
Giá xăng hôm nay được dự báo tăng khá mạnh. (Ảnh: Công Hiếu)
Hiện, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo phiên điều hành ngày 21/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, lên 21.639 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.295 đồng/lít, lên 22.792 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 884 đồng/lít lên 19.500 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 869 đồng/lít lên 19.189 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 437 đồng/kg lên 15.725 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 11 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Giá xăng dầu thế giới
Lúc 6h30 ngày 1/8, giá dầu WTI giao dịch ở mức 81,1 USD/thùng, tăng 0,31 USD/thùng trong khi đó dầu Brent giao dịch mức 85,18 USD/thùng, tăng 0,21 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Dự trữ dầu đang bắt đầu giảm ở một số khu vực do nhu cầu vượt quá nguồn cung bị hạn chế bởi việc cắt giảm sản lượng sâu của nhà lãnh đạo OPEC Ả rập Xê út.
Cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đều dự đoán nhu cầu dầu sẽ vượt nguồn cung trong năm nay, dẫn đến tổng lượng hàng tồn kho giảm xuống mức 400.000 đến 500.000 thùng/ngày (bpd), chủ yếu chiếm vào nửa cuối năm.
Theo IEA, mặc dù tồn kho dầu toàn cầu đã tăng trong tháng 5 lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2021, do sự gia tăng đáng kể ở các quốc gia không thuộc OECD nhưng các nhà phân tích vẫn cho rằng các dấu hiệu thắt chặt đang xuất hiện, đặc biệt là ở Mỹ.
Theo VTC