Giải bài toán tiêu thụ nông sản

06/06/2023 - 06:51

 - An Giang là tỉnh có dân số đông đứng đầu ĐBSCL, có thế mạnh nông nghiệp. Tuy nhiên, như các địa phương khác, tỉnh đối mặt điệp khúc “được mùa, mất giá” nông sản nhiều năm qua, cần nhiều giải pháp tháo gỡ.

Rất dễ thấy, trái cây thường rơi vào cảnh dội chợ, khiến nhiều hộ nông dân “lao đao”. Theo ghi nhận, tại huyện Chợ Mới - địa phương có diện tích trồng xoài lớn - giá xoài còn 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy thời điểm và tùy loại. Một số loại trái cây khác (mận, ổi) cũng chịu chung số phận. Giá mận An Phước, ổi Đài Loan tại vườn chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg;  cam sành từ 7.000 - 12.000 đồng/kg... “Giá xoài 3 màu tại vườn có lúc chỉ có 2.000 - 3000 đồng/kg, nông dân lỗ chi phí phân bón, thuốc, công hái. Người dân thuê đất trồng, thì mức lỗ tăng hơn nữa” - ông Nguyễn Văn Tư (xã Bình Phước Xuân) chia sẻ. Còn tại chợ, 2kg xoài chỉ 10.000 - 15.000 đồng, 3kg ổi giá 20.000 đồng...

Nguyên nhân chính khiến mặt hàng trái cây giảm mạnh là nhu cầu tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung lại tăng đột biến. Thực tế, tình trạng này lặp lại nhiều năm qua trong sản xuất rau màu, cây ăn trái. Nông dân thấy giá một số loại rau quả tăng thì vụ sau lập tức trồng ồ ạt, không để ý quy luật thị trường, năng lực, kênh tiêu thụ, quy hoạch... Đây là hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp còn manh mún; việc xây dựng kế hoạch, liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ và khâu chế biến còn yếu. Người sản xuất chậm ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ít quan tâm tìm hiểu thông tin thị trường trước khi đầu tư sản xuất số lượng lớn.

Nông dân cần gắn liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng rớt giá nông sản

“Hiện nay, nông dân sản xuất trồng theo phong trào, nên xuất hiện tình trạng nông sản không có thị trường tiêu thụ, cung vượt cầu, giá cả thiếu ổn định. Đề nghị ngành chức năng cần định hướng nông dân trồng đảm bảo nhu cầu thị trường và có liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm” - nông dân xã Nhơn Mỹ và Mỹ Hội Đông đề nghị.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Văn Hinh, việc mời gọi nông dân tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp (DN) được đơn vị phối hợp các địa phương đẩy mạnh xúc tiến. Tuy nhiên, nông dân chưa thật sự quan tâm, mong muốn kết nối với DN; phía DN chưa có chủ động mời gọi, kết nối với các tổ chức nông dân.

Nông dân sống dựa vào nông nghiệp, theo kiểu: “Không trồng lấy gì ăn, cứ sản xuất trước, thị trường tính sau”, cuối cùng chịu thiệt thòi, bởi giá cả phụ thuộc vào cung - cầu và thương lái. Mặc dù tỉnh đã quy hoạch, trong đó tính đến yếu tố cung cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng việc kiểm soát thực hiện quy hoạch rất khó khăn. Nhiều nông dân tham gia sản xuất, chủ yếu nhỏ lẻ, khiến việc tính toán, điều tiết cân đối giữa nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất là điều không hề đơn giản.

Vì vậy cần có chính sách điều hành vĩ mô thị trường trước sản xuất. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Thị trường cần gì thì mình sản xuất cái đó, chứ không phải cứ sản xuất ồ ạt rồi mới đi tìm thị trường. Nông nghiệp luôn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng nếu không gia cố thì chính trụ đỡ đó sẽ rất chông chênh”.

Tỉnh, huyện đã có quy hoạch diện tích chuyên canh, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể. Đồng thời, thường xuyên khuyến cáo nông dân đa dạng hóa nhiều loại cây trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP... nông sản thị trường cần và có tín hiệu tiêu thụ tốt, gắn với DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ; hạn chế sản xuất ồ ạt, tự phát, tăng trưởng “nóng” không theo quy hoạch (như sầu riêng, xoài hiện nay).

Để giải bài toán tiêu thụ, về lâu dài, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2881/QĐ-UBND về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh. Kích cầu thị trường trong nước, kết nối và tìm đầu ra cho hàng hóa, xúc tiến thương mại, nhất là nông sản mang tính mùa vụ là một trong những nhiệm vụ đang được tỉnh khẩn trương triển khai. Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ HTX gắn liên kết sản xuất, tiêu thụ. Khuyến khích nông dân thành lập mới tổ hợp tác, HTX để liên kết DN theo liên kết dọc, liên kết ngang hoặc phát triển thành loại hình sản xuất DN trực thuộc HTX. Đẩy nhanh cấp mã số vùng trồng trên cây ăn trái; tăng cường mời gọi DN tiềm năng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Đồng thời, hỗ trợ DN xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã. Xây dựng cổng/kênh cung cấp thông tin thường xuyên, dự báo thị trường nông sản, để kịp thời điều phối, kết nối tiêu thụ nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố. Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện mô hình kinh tế hợp tác, liên kết từ cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích tham gia vào mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi DN khác đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu rau màu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để giải pháp đi vào thực tiễn, cần quyết tâm chính trị cao hơn từ tỉnh đến cơ sở.

THIÊN THANH