Giải bài toán xuất khẩu nông sản

29/03/2024 - 06:52

 - Thời gian qua, các ngành hàng chủ lực và tiềm năng của tỉnh trở thành những ngành hàng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế. Để phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp, hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu...

Giải quyết thách thức

Nông nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển khi giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng mở rộng. Song, ngành nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu... Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh, do năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các DN sản xuất chính.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để thúc đẩy xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, ngành nông nghiệp tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp và đổi mới từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” để vượt qua khó khăn, thách thức. Chuyển dần từ sản xuất chiều rộng sang chiều sâu.

Nổi bật là ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất tại các vùng chuyên canh trọng điểm gắn kết với nhà đầu tư lớn. Đẩy mạnh chuyển đổi số dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, nhu cầu của thị trường, thế mạnh của tỉnh trong liên kết vùng và tiểu vùng. Tổ chức lại sản xuất theo kinh tế hợp tác có sự tham gia chặt chẽ giữa người dân - hợp tác xã (HTX) - DN, “tăng giá trị, giảm đầu vào”, hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc...

Liên kết, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh

Nhiều điểm sáng

Theo Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng, năm 2023, tình hình xuất khẩu tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng khá so cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch, ước đạt 1.172 triệu USD, tăng 1,42% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như gạo đạt 340 triệu USD, tăng 8,97% so cùng kỳ.

Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trong năm 2023. Thị trường Indonesia, Trung Quốc sau mở cửa nền kinh tế nhu cầu mua gạo cao; gạo còn xuất khẩu sang Philippines, Malaysia, Australia, Nga, Bangladesh... Xuất khẩu rau quả đông lạnh đạt 65 triệu USD, tăng gần 97% so cùng kỳ. Kết quả trên cho thấy, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế An Giang.

Để sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính, tỉnh hỗ trợ nông dân các địa phương cấp 468 mã số, với tổng diện tích vùng trồng hơn 18.367ha. Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn, đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Gần 5 năm triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh” (giai đoạn 2015 - 2020), nhiều kết quả nổi bật trên cả 2 nhóm ngành hàng chủ lực và tiềm năng. Mỗi năm, tỉnh có 25.000 - 31.000ha nhân giống lúa với 4.500 - 6.000 nông dân tham gia, 70% diện tích sử dụng các loại giống có chất lượng cao. Lúa hàng hóa ổn định, sản lượng bình quân gần 4 triệu tấn/năm.

Định hình được một số vùng sản xuất loại giống đặc sản, như: Vùng bảo tồn gần 100ha lúa mùa nổi và bình quân 64 ha/năm lúa Nàng Nhen Bảy Núi theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Tri Tôn; vùng sản xuất lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Châu Phú; vùng lúa nếp Phú Tân… tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu ổn định.

Đối với ngành hàng rau màu, nổi bật là các mô hình sản xuất tiên tiến, khoảng 7.472ha diện tích rau màu công nghệ cao. Đồng thời, phát triển sản xuất theo các hình thức liên kết tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc với các DN, như: Công ty TNHH DHFarm, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư dịch vụ nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam...

Tăng liên kết - tiêu thụ - xuất khẩu

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tôn Thất Thịnh cho biết: “Hiện nay, diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp toàn tỉnh trên 97.600ha, với 30 DN trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết. Trong đó, phần lớn là diện tích liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (71.319ha) để xuất khẩu. Rau màu liên kết khoảng 15.599ha; trong đó có 10 DN, các HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu với diện tích 5.599ha. Có 14 DN, HTX liên kết và tiêu thụ cây ăn trái các loại với 3.072ha”.

“Thời gian tới, tỉnh cơ cấu lại ngành hàng, triển khai đề án tái cơ cấu, chuyển dần một số diện tích trồng lúa, màu sang cây ăn trái. Đầu năm đến nay, sở phối hợp huyện Chợ Mới tổ chức lễ công bố xuất khẩu 20 tấn xoài hạt lép sang thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc. Ngày 27/3, tiếp tục phối hợp huyện An Phú tổ chức lễ công bố xuất khẩu 18 tấn xoài keo sang Hàn Quốc” - ông Thịnh thông tin.   

Để kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2020 - 2025) đạt hơn 5 tỷ USD theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh đề ra nhiều giải pháp đột phá trong nửa nhiệm kỳ còn lại và những năm tiếp theo. Cụ thể, thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, tỉnh hướng đến mục tiêu hoạt động xuất, nhập khẩu tỉnh phát triển bền vững với cơ cấu, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt và vượt 5%/năm. Hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích DN tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa, xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối toàn cầu.

Tỉnh tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất, nhập khẩu. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các DN hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

HẠNH CHÂU