Thi công cống Hai Tân ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Với kết quả khả quan đã đạt được và đang dẫn đầu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang quyết tâm về đích hoàn thành 100% giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Chính quyền các địa phương đang có nhiều giải pháp, tập trung quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư công, hướng tới mục tiêu đã đề ra.
Những kết quả khả quan
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước từ đầu năm đến cuối tháng 8/2023 là gần 300 nghìn tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%; trong đó, tỉnh Tiền Giang đạt 62,12%, tỉnh Long An là 66,18% và tỉnh Đồng Tháp là 66,94% - có tỷ lệ cao nhất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 (kể cả vốn năm 2022 kéo dài chuyển sang) của tỉnh là khoảng 6.500 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến cuối tháng 8 là trên 4.000 tỷ đồng, đạt 62,33%, cao hơn 23,12% so với cùng kỳ.
Với tỷ lệ đạt mức cao như vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đặt mục tiêu quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023.
Để đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, ngay từ đầu năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền quyết định, khẩn trương nhập dự toán của các dự án trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc; khẩn trương ban hành kế hoạch giải ngân và phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, công trình quan trọng kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tại tỉnh Long An, thời gian qua, việc giải ngân đầu tư công cũng được lãnh đạo tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhờ vậy, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt khá cao.
Theo ông Trương Văn Liếp, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, đến thời điểm ngày 16/8/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 Ủy ban Nhân dân tỉnh giao hết vốn cho các chủ đầu tư triển khai trên 9.800 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn cấp tỉnh quản lý trên 7.600 tỷ đồng, nguồn vốn cấp huyện quản lý trên 2.200 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện đến ngày 16/8/2023 đạt gần 6.200 tỷ đồng, đạt 62,64% kế hoạch.
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã làm việc với các chủ đầu tư Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ủy ban Nhân dân thành phố Tân An… để đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023.
Cùng với Đồng Tháp, Long An, tỉnh Tiền Giang nằm trong Top các địa phương đạt tỷ lệ cao giải ngân vốn đầu tư công, với 3.230 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 61% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năm 2023, đơn vị được giao thực hiện 11 công trình, với tổng nguồn vốn giao đến nay là gần 603 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân đến nay là trên 429 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 71,25% vốn giao.
Ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết thời gian qua, công tác giám sát chất lượng công trình được thực hiện thường xuyên và đảm bảo. Tiến độ thi công các công trình cơ bản theo đúng kế hoạch đề ra.
Để đạt được kết quả này, trước hết đơn vị phải xây dựng kế hoạch từ đầu năm để bố trí nguồn vốn cho hợp lý. Thứ hai là phải đảm bảo vấn đề tài chính cho nhà thầu, nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch của mình.
Nhiều biện pháp quyết liệt hơn
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, phấn đấu đến hết năm 2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu các cấp, ngành xem nhiệm vụ thực hiện dự án đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Dự án xử lý cấp bách sạt lở sông Tiền khu vực xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đang triển khai thực hiện. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư công, giao trách nhiệm cho phụ trách cá nhân cụ thể gắn với chất lượng và tiến độ hoàn thành dự án; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn vốn bổ sung cho đầu tư công, nhất là bố trí vốn cho bồi thường giải phóng mặt bằng và các dự án cấp bách, bức xúc đang cần nguồn vốn để triển khai.
Tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP, xã hội hóa đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; tăng cường huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Tại tỉnh Đồng Tháp, nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và phấn đấu giải ngân cả năm 2023 đạt 100% kế hoạch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm hơn nữa với vai trò là chủ đầu tư và cần quyết liệt, chủ động, tích cực triển khai, đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án trong năm 2023.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập (nếu có). Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng đầu tư công chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế, dư luận bức xúc, quan tâm.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 (kể cả vốn kéo dài) theo thứ tự ưu tiên: Kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023, trong đó, lưu ý nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn nước ngoài (vốn ODA); kế hoạch vốn năm 2023 (vốn ngân sách Trung ương, vốn nước ngoài và vốn ngân sách địa phương).
Các chủ đầu tư chủ động trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý đấu thầu, ký hợp đồng thi công... nhất là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm quy định về chế độ báo cáo định kỳ 2 tuần/lần về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Năm 2023, tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh sẽ phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng, kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án để triển khai công tác thi công; trong đó có dự án trọng điểm nhóm A là Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền).
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và địa phương nâng cao chất lượng lập, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, thiết bị để nhanh chóng đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng, đáp ứng các tiêu chí ra mắt huyện, xã nông thôn mới năm 2023.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh phối hợp tích cực với các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, cũng như đề xuất các công trình, dự án sử dụng vốn dự phòng./.
Theo HỒNG ĐẠT (TTXVN/Vietnam+)