Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Võ Hoàng Phi đề xuất, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng “một cửa”, “một cửa liên thông”.
Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản về hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; niêm yết công khai, minh bạch TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý trực tiếp của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử thành phần, đăng tải kịp thời thông tin hữu ích để DN tiếp cận, nhất là chính sách hỗ trợ DN, hỗ trợ đầu tư, thông tin về quy hoạch, kết quả giải quyết khó khăn của DN, nhà đầu tư.
Thanh tra tỉnh cho biết, với những nỗ lực và quyết tâm của các cấp, ngành, chỉ số thành phần chi phí không chính thức dần cải thiện, thuộc nhóm điều hành “khá” trong những năm qua. Năm 2020 đạt 6,96 điểm, năm 2021 đạt 7,30 điểm, năm 2022 đạt 7,05 điểm, năm 2023 đạt 6,98 điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát, bên cạnh những chỉ tiêu của chỉ số thành phần cải thiện, tăng điểm, thì một số chỉ tiêu có chiều hướng giảm điểm. Đáng chú ý là phần lớn các chỉ tiêu giảm điểm liên quan đến việc DN trả chi phí không chính thức.
Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để khắc phục hạn chế, tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số thành phần chi phí không chính thức, Thanh tra tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kiểm soát và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Trọng tâm là tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc và tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Thực hiện đầy đủ, đồng bộ biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, tập trung thanh, kiểm tra những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ trực tiếp giải quyết TTHC, cán bộ thanh, kiểm tra củng cố niềm tin của người dân và DN.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang Thái Minh Hiển, so năm 2022, điểm số “tiếp cận đất đai năm 2023” tăng thêm 0,01 điểm, nhưng thứ hạng tăng đáng kể, trong đó tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng cả nước và tăng 1 bậc so các tỉnh ở ĐBSCL. Mặc dù điểm số và thứ hạng có cải thiện, nhưng so các tỉnh trong khu vực, An Giang vẫn nằm ở mức trung bình, chưa lọt vào “tốp 3” khu vực, cho thấy chỉ số chưa ổn định. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị chuyên môn tổ chức thực hiện và kịp thời theo dõi, tháo gỡ vướng mắc của DN...
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Lê Quốc Cường chia sẻ, đơn vị đã phối hợp các ngành thực hiện nhiệm vụ và giải pháp cải thiện chỉ số tính minh bạch, để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN. Năm 2023, chỉ số tính minh bạch của tỉnh đạt 5,0 điểm, giảm 1,19 điểm so năm 2022, nằm trong nhóm tỉnh có thứ hạng thấp về chỉ số này.
Cổng thông tin điện tử tỉnh năm 2023 đạt gần 5 triệu lượt xem, người dùng mới gần 1,6 triệu. Đăng gần 150 tin, bài lên Trang thông tin hỗ trợ DN và xúc tiến đầu tư tỉnh; mục công bố công khai cập nhật 744 văn bản thuộc các lĩnh vực nhằm hỗ trợ thông tin cho DN... Tuy nhiên, tỷ lệ DN thường xuyên truy cập vào website của tỉnh năm 2023 là 43%, giảm 14% so năm 2022. Thực tế này cho thấy, nhiều DN nhỏ chủ yếu tiếp cận thông tin theo hướng trực tiếp (lấy tại cơ quan, tổ chức), không tìm hiểu thông tin trên website của tỉnh và các cơ quan nhà nước, nên cho rằng khó tiếp cận thông tin.
Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất, cần nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử thành phần của các cơ quan, địa phương đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Thường xuyên kiểm tra Cổng thông tin điện tử tỉnh về thực hiện công bố công khai theo quy định, tạo bình đẳng giữa các DN trong tiếp cận thông tin và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để DN nắm được cách thức và lợi ích khi truy cập vào cổng/trang thông tin điện tử các cơ quan Nhà nước. Tăng cường cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các phương tiện điện tử khác. Phát huy hiệu quả, vai trò tổ công nghệ số cộng đồng, trở thành cánh tay nối dài của chính quyền để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân, DN kỹ năng số cần thiết, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ số và nền tảng số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, thống nhất của các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN. Các cơ quan, đơn vị có giải pháp khắc phục hạn chế, góp phần cải thiện điểm các chỉ số thành phần, cải thiện năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Hiệp hội DN tỉnh và hiệp hội ngành nghề tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các cấp chính quyền và DN.
|
HẠNH CHÂU