Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại huyện Chợ Mới
Khó khăn ở huyện đông dân
Chợ Mới là huyện có mật độ dân số cao nhất của tỉnh. Đa số người dân sống bằng nông nghiệp, vì vậy nhu cầu về đất ở, đất sản xuất rất lớn, đất đai ngày càng có giá trị. Theo UBND huyện Chợ Mới, những năm qua, việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân chủ yếu liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ; tranh chấp đất, khiếu nại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Nguyên nhân nằm ở chỗ, huyện triển khai nhiều dự án xây dựng công trình, cụm tuyến dân cư và khu tái định cư. Nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao, tạo bước chuyển tích cực của công dân về sử dụng nguồn tài nguyên đất. Tuy nhiên, quá trình khai thác, quản lý và sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và nhà nước chưa được chặt chẽ; trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ còn nhiều sai sót. Chính sách bồi thường khi nhà nước thu hồi đất chưa phù hợp giá trị thị trường; việc tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm chưa đáp ứng nhu cầu người dân…
Nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, công tác tiếp dân, hòa giải cơ sở, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai ở một số ngành, xã, thị trấn chưa làm tốt, vẫn còn đơn giải quyết chậm so với thời hạn quy định; người dân còn gửi đơn nhiều nơi, gửi vượt cấp. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn hạn chế, phương pháp tuyên truyền chưa linh hoạt, hành chính hóa, khó chuyển tải đến người dân do chênh lệch trình độ nhận thức.
Từ thực tế trên, lãnh đạo UBND huyện yêu cầu thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND cấp xã phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tiếp dân, xem đây là việc trọng tâm, tiền đề cho khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giảm tải lượng đơn gửi vượt cấp. Người đứng đầu đã tiếp công dân gần 4.100 lượt (trong đó, Chủ tịch UBND huyện tiếp dân 2 ngày/tháng). Hoạt động này kịp thời giải tỏa bức xúc; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân; hạn chế nhiều vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, đông người.
Tăng cường vai trò chung
Hiện nay, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai ở huyện đông dân này được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tình hình hộ dân phản ánh gay gắt giảm; số đoàn khiếu kiện đông người giảm; các quyết định có hiệu lực pháp luật đều được thi hành. Toàn huyện còn 3 vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài (tại xã Mỹ An, An Thạnh Trung và Kiến An).
“Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát, đề xuất phương án giải quyết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, kết hợp làm rõ nội dung khiếu nại với việc vận động, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định pháp luật, không để phát sinh tình hình. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, UBND huyện kịp thời xin ý kiến ngành chuyên môn và tổ công tác tỉnh”- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng cho biết.
Những giải pháp khác được triển khai đồng bộ, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn; triển khai phần mềm “Hệ thống báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”, phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”. Hàng năm, Phòng Tư pháp có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn, triển khai văn bản, quy định mới liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai. Chấn chỉnh hoạt động báo cáo, lưu trữ hồ sơ, sổ sách; tích cực thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh, kiểm tra…
Nổi bật hơn, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả, tăng cường lãnh, chỉ đạo trong lĩnh vực này. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải quyết vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở; kết hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo với xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm.
Quá trình khảo sát thực tế tại UBND huyện, làm cơ sở giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, Chợ Mới là địa phương thực hiện rất hiệu quả công tác này. Huyện cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường hòa giải cơ sở, duy trì thường xuyên công tác tiếp dân, đối thoại giải quyết theo luật định. Rà soát, thống kê vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài và có kế hoạch tập trung giải quyết dứt điểm, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Thủ trưởng cấp xã, ngành cần quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong giải quyết, trả lời vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân cấp.
Từ năm 2016-2021, toàn huyện tiếp 12.334 lượt công dân (liên quan 12.314 vụ việc, trong đó 62% khiếu nại cấp GCNQSDĐ, 38% về lĩnh vực đất đai). Tiếp nhận 1.292 đơn (trong đó kiến nghị, phản ánh 1.106 đơn); giải quyết khiếu nại đạt 97%, tố cáo đạt 100%. Qua đó, ban hành 56 quyết định thu hồi GCNQSDĐ, nhiều quyết định giải quyết khiếu nại; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 1 cá nhân; xử lý kỷ luật 2 cá nhân, thu hồi 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kiểm điểm rút kinh nhiệm đối với 3 cá nhân… |
Bài, ảnh: GIA KHÁNH