NSND Quang Thọ rất hài lòng với người học trò năm xưa đã bỏ chèo để theo học thanh nhạc - NSƯT Quốc Hưng. Khi ông Hưng dự thi vào Nhạc viện Hà Nội cũng là lúc NSND Quang Thọ đang là Phó chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc. Giờ đây, ông Hưng cũng đang giữ chức vụ ấy.
NSƯT Quốc Hưng là giọng ca bass hiếm có ẢNH NVCC
“Hưng học với một giọng bass (nam trầm) cũng rất hiếm có là nghệ sĩ Trần Hiếu, và tiến bộ rất nhanh. Sở trường của Hưng là opera với những arial nổi tiếng, những bản chính ca như Đường chúng ta đi... Giờ đây, với mong muốn gần với người nghe hơn, Hưng chọn tình ca để đến với trái tim người nghe. Tức là không phải chọn sở trường của mình, mà là sở đoản”, NSND Quang Thọ nói.
Dù chọn sở đoản, album Tình biển của NSƯT Quốc Hưng vẫn nhận được lời ngợi khen của ông Thọ. Theo ông, đây là một album rất có tình, lại được phối khí và dàn dựng lại với phong cách bán cổ điển (semi classic) để phù hợp thời đại.
Đây cũng là album có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, giảng viên dàn dây tài năng như: nghệ sĩ Nguyễn Văn Hạnh (violon), Hồ Việt Khoa (violon), Lê Tuấn Anh (violon), Nguyễn Đinh Hương (viola), Đinh Phan Như Quỳnh (cello). Album gồm 9 bài: Tìm tên anh trên bờ cát, Biển cạn, Biển nỗi nhớ và em, Biển đêm, Biển khát, Chút thư tình gửi người lính biển, Sao biển, Thuyền và biển, Bâng khuâng Trường Sa.
Có tới 3 người cùng tham gia hòa âm phối khí cho album: Hà Trung, Phúc Trường, Chu Kiều Oanh. Theo NSƯT Quốc Hưng, việc mời nhiều người phối khí để tránh việc album có một màu sắc. Đặc biệt, với một album mà các bài hát đều là giọng thứ, theo ông Hưng, việc nhiều người phối khí sẽ tạo sự uyển chuyển, cũng như tránh buồn bã quá. Nhóm bè nữ xuất hiện cũng giúp tạo hiệu ứng đan xen với chất giọng quá dày của nghệ sĩ, giúp tác phẩm trở nên mềm mại và trở nên mênh mang hơn.
“Có đoạn bài hát được đầu tư phần dàn dây với những kỹ thuật khó, để tạo cảm giác người ta vừa thưởng thức giọng hát vừa được nghe dàn dây đối chọi với giọng hát của chú. Cũng có pha màu âm nhạc để không tạo cảm giác nhàm chán. Vì kỹ thuật cho dàn dây khá khó nên làm việc với họ trong phòng thu tốn khá nhiều thời gian”, nhạc sĩ Hà Trung chia sẻ. Có những hôm, dàn nhạc phải làm việc để thu từ 2 giờ chiều đến 3 giờ sáng mới xong.
Những bài hát ông Hưng lựa chọn vốn đã nhiều người hát. Tuy nhiên, trong album này, chúng vẫn tạo được hiệu ứng ấm áp, tình cảm rất lạ với chất giọng dày và ấm với độ vang ngân khó gặp.
“Những bản phối đều có tiết tấu không nhanh. Tôi cũng chọn lối hát gần như kể chuyện chứ không cầu kỳ phô diễn kỹ thuật âm thanh. Chính vì thế, từng lời đều gần như kể chuyện, câu to câu nhỏ, nhanh chậm chỉ để kể chuyện thật tình cảm trong album”, NSƯT Quốc Hưng chia sẻ.
Giọng soprano hiếm có - NSƯT Lan Anh, bày tỏ: “Tôi có lẽ là người được nghe album đầu tiên cách đây mấy tháng. Khi nghe tôi thấy thích ngay vì bài hát được hát bằng đúng tự sự của anh Hưng, chứ không phải vì ai đó bắt hát như vậy”.
Theo TRINH NGUYỄN (Thanh Niên)