Trần Thị Trúc Ly (sinh năm 1990, ngụ thị trấn Phú Mỹ) là một trong những người trẻ hiếm hoi còn tâm huyết với nghề làm bánh phồng truyền thống của quê hương. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm bánh phồng, Ly quen với công việc này từ thuở nhỏ. “Tôi còn nhớ như in những ngày hè oi ả, cả gia đình cùng nhau thức khuya làm bánh. Tiếng chày quết bột, tiếng lửa reo tí tách, mùi thơm đặc trưng của bánh phồng đã trở thành những âm thanh quen thuộc, gắn liền với cuộc sống của tôi” - Ly chia sẻ.
Lớn lên, Ly cũng từng băn khoăn về việc tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống của gia đình. Cô nhận thấy, nghề làm bánh phồng vừa vất vả, vừa tốn nhiều thời gian và công sức, trong khi thu nhập lại không cao. Hơn nữa, xã hội hiện đại có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn, cũng khiến cô không khỏi cân nhắc cho tương lai. Nhưng rồi, Ly quyết định tiếp tục nối nghiệp nghề truyền thống của gia đình. Quyết định này không chỉ xuất phát từ tình yêu của cô dành cho những chiếc bánh phồng, mà còn là sự trăn trở về việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Vậy nên, dù đang có công việc khá ổn định, Ly vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho nghề làm bánh phồng. “Nếu tôi không tiếp tục theo nghề này, thì những “bí quyết” gia truyền, kinh nghiệm quý báu sẽ dần bị mai một. Tôi không muốn điều đó xảy ra. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, người trẻ cũng có thể thành công với nghề truyền thống” - Ly bày tỏ.
![Giữ lửa nghề bánh phồng](https://images.baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250206/images/6-PL.jpg)
Trúc Ly tâm huyết với chiếc bánh phồng quê hương
Năm 2014, Ly thuyết phục cha mẹ đầu tư trang thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất bánh phồng. Để có được bánh phồng thơm ngon, ông bà, cha mẹ cô rất cực công. Từ khâu chọn nếp, sơ chế… cho đến giã nếp, cán rồi phơi bánh, tất cả hoàn toàn được làm thủ công. Mỗi giai đoạn đều đầy giọt mồ hôi lao động và sự tỉ mỉ của người làm ra món ăn đặc sản này. “Hiện, gia đình tôi đầu tư máy quết và cán bánh phồng. Việc cơ giới hóa thay thế phần nào sức người, giúp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm chi phí và cho ra chiếc bánh đẹp mắt hơn” - Ly cho biết.
Với quyết tâm cao độ, cô gái 9x bắt đầu hành trình chinh phục nghề làm bánh phồng. Cô không ngừng học hỏi, tìm tòi cách làm bánh mới, công thức cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cô chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên thị trường; tạo ra chiếc bánh phồng không chỉ ngon về hương vị, mà còn đẹp về hình thức, đảm bảo về chất lượng. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, cô đã đạt được những thành công bước đầu. Sản phẩm bánh phồng ngày càng được nhiều người biết đến, yêu thích.
“Tôi rất vui mừng khi thấy sản phẩm của mình được đón nhận! Bánh phồng Phú Mỹ hút khách nhất là vào dịp lễ, Tết, vì số lượng bán ra có thể tăng gấp 3 lần so ngày thường. Sự hỗ trợ của máy móc hiện đại đã khiến chiếc bánh phồng xứ nếp vơi đi cơ cực như xưa. Tương lai, tôi sẽ mở rộng quy mô cơ sở làm bánh phồng khi đủ điều kiện” - Ly chia sẻ.
Đây là động lực lớn để cô tiếp tục cố gắng hơn nữa, mang đến những chiếc bánh phồng ngon nhất, chất lượng nhất cho người tiêu dùng. Mong rằng, ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm hơn đến giá trị văn hóa truyền thống, để chúng mãi mãi được lưu giữ và phát triển.
PHƯƠNG LAN