Nhiều người hoàn lương vươn lên ổn định cuộc sống
Ở ấp Phú Quới, xã Phú An, ông Huỳnh Ngọc Xuân (sinh năm 1969) là một tấm gương chí thú làm ăn và đóng góp nhiều việc tích cực cho địa phương. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, ông Xuân được chính quyền địa phương giới thiệu vào làm bảo vệ tại Trường Tiểu học “B” Phú An và tích cực chăn nuôi heo rừng, gà, dê… Nhờ vậy, nhà cửa khá khang trang, gia đình ấm êm, thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ông Xuân còn tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, hiện là Đội trưởng Đội dân phòng ấp Phú Quới. Còn anh Trần Văn Bổn (sinh năm 1987, ngụ ấp Trung 3, thị trấn Phú Mỹ), sau khi chấp hành xong án phạt về địa phương, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, bản thân anh không có nghề nghiệp, thêm vào đó luôn mặc cảm về quá khứ lầm lỗi... Được gia đình an ủi, chính quyền, đoàn thể quan tâm động viên giáo dục, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Tham gia vào “Câu lạc bộ cuộc sống mới”, anh nhận được nhiều sự giúp đỡ và niềm tin của bà con xung quanh, trong đó có số tiền 10 triệu đồng của hàng xóm hỗ trợ để đi học lái xe hạng B2. Nhận bằng xong, anh lái xe thuê cho các doanh nghiệp, nay đã có thu nhập và cuộc sống ổn định. Và rất nhiều trường hợp khác như: anh Nguyễn Văn Trường (xã Tân Hòa) nay là công nhân Công ty May công nghiệp Great Canyon; anh Kim Văn Chí Tâm (xã Bình Thạnh Đông) sinh sống bằng nghề sửa xe gắn máy; anh Đỗ Hữu Duyên (xã Phú Lâm) mở tiệm vẽ… được chính quyền địa phương giúp đỡ, giới thiệu việc làm, vốn vay để phát triển nghề và có thu nhập ổn định.
Xây dựng các mô hình, câu lạc bộ dành cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng là một trong những điểm sáng ở Phú Tân đang phát huy hiệu quả. Mô hình “Câu lạc bộ cuộc sống mới” do Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên thị trấn Phú Mỹ thành lập vào tháng 5-2014 là một điển hình. Câu lạc bộ gồm 23 thành viên, trong đó có 11 người chấp hành xong án phạt tù tham gia, thường xuyên sinh hoạt nội dung về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, giới thiệu nghề, giải quyết việc làm, các mô hình phát triển kinh tế... Thông qua đó, các thành viên không tái phạm và vận động những thanh niên chậm tiến khác ý thức trong việc chấp hành pháp luật, chăm lo cuộc sống bản thân, gia đình. “Tổ cảm hóa giáo dục, đối tượng” của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thị trấn Chợ Vàm thời gian qua góp phần cảm hóa, kiềm hãm tái phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm trên địa bàn. Hiện nay, thị trấn Chợ Vàm đã nhân rộng 5 “Tổ cảm hóa, giáo dục đối tượng”, quản lý, giáo dục 100 đối tượng, đến thời điểm hiện nay chưa phát hiện số người trong diện quản lý, giáo dục vi phạm.
Theo thống kê của UBND huyện Phú Tân, trong 5 năm (2012-2017), huyện tiếp nhận 531 đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Công an huyện và các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn có sự liên kết chặt chẽ và phân công nhiệm vụ rõ ràng trong công tác quản lý, giáo dục. 5 năm qua, lực lượng công an các xã, thị trấn đã rà soát, chọn lọc số người chấp hành xong án phạt tù, tham mưu UBND cùng cấp làm hồ sơ vay vốn, qua đó Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho vay vốn 7 trường hợp với tổng số tiền 195 triệu đồng; giới thiệu và định hướng việc làm được 51 người chấp hành xong án phạt tù.
Việc kịp thời tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, an ủi, giúp đỡ người hoàn lương đã tạo điều kiện cho họ an tâm lao động, sản xuất, tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa và giảm tái phạm tội.
ĐỨC TOÀN