Giúp nông dân canh tác “thuận thiên”

09/07/2025 - 06:37

 - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực vận động nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị, nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Kết quả tích cực

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Phan Tùng Lâm, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do đó, để nông nghiệp phát triển cân bằng, ổn định, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, thì việc đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH là yêu cầu cấp thiết. “Thời gian qua, hội nông dân các cấp đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân đổi mới hình thức sản xuất theo hướng hợp tác - liên kết. Trong đó, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị, tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn nhằm bảo vệ môi trường” - ông Phan Tùng Lâm nhấn mạnh. 

Hội Nông dân các cấp đã vận động nông dân tham gia các mô hình canh tác thích ứng BĐKH, như: Mặt ruộng không dấu chân, sản xuất lúa thân thiện với môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn (bắp - bò - trùn); mô hình tận dụng rơm rạ sản xuất nấm… với tổng diện tích khoảng 40.000ha.

Nông dân An Giang canh tác lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Nông dân An Giang cũng quan tâm canh tác thích ứng BĐKH, thông qua hoạt động liên kết với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Nhãn (Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh An Nông, xã Vĩnh An) cho hay: “Hợp tác xã đã từng ký kết với Công ty Vinarice thực hiện dự án canh tác lúa thích ứng BĐKH, với diện tích 100ha. Chúng tôi được phía công ty hỗ trợ đầu vào về nguồn giống, bao bì đựng lúa và một phần chi phí trong quá trình canh tác. Đồng thời, công ty cử cán bộ hướng dẫn nông dân kỹ thuật giảm lượng giống, nước tưới, phân hóa học và thay thế bằng một phần phân hữu cơ so canh tác lúa trước đây. Nhờ đó, nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận”.

Ông Nhãn cũng đề nghị ngành nông nghiệp, hội nông dân các cấp giới thiệu những doanh nghiệp thu mua rơm cho hợp tác xã, để thực hiện quy trình tốt hơn. Cùng với đó, cần mở các lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật xử lý rơm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp...

Đẩy mạnh thực hiện

Dù công tác vận động nông dân canh tác thích ứng BĐKH được ngành nông nghiệp, hội nông dân các cấp quan tâm thực hiện, nhưng một bộ phận nông dân vẫn chưa thấy rõ tính cấp bách của vấn đề này. Do đó, Hội Nông dân tỉnh yêu cầu tổ chức hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để bà con tham gia tích cực hơn nữa.

Trong đó, cần hiểu rõ tác hại của BĐKH đối với đời sống, mà sản xuất nông nghiệp và nông dân sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng thời, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa chặt chẽ, quy mô còn nhỏ lẻ cùng những biến động của thị trường cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu hội nông dân cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, gắn với thích ứng BĐKH. Đồng thời, hội nông dân sẽ phối hợp các ngành, địa phương, doanh nghiệp từng bước xây dựng, hình thành và nhân rộng các vùng sản xuất công nghệ cao và nông nghiệp thông minh, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn…” - ông Phan Tùng Lâm thông tin.

Về giải pháp đẩy mạnh canh tác thích ứng BĐKH, Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hướng đi phù hợp và hiệu quả. “Để canh tác thích ứng BĐKH, nông dân cần ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất. Các ngành, địa phương cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giảm phát khải khí nhà kính, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra, cần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản nhằm góp phần giúp nông dân sản xuất bền vững, thích ứng với BĐKH...” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh.

THANH TIẾN