Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã khiến cho những chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, tuần hàng nông sản, chính sách về tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, tổ hợp tác… đều không thể thực hiện được do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Ðây không chỉ là khó khăn trước mắt mà còn là “phép thử” cho các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp trong duy trì hoạt động sản xuất khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Ghi nhận tại HTX Cà gai leo, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 cho thấy, hiện đã có 30 hộ dân trong vùng nguyên liệu của HTX chuyển sang trồng mía. Nguyên nhân do HTX không thể bố trí được nguồn tiền để thu mua cà gai leo cho xã viên và nông dân như hợp đồng đã được ký kết. Lý giải cho việc 20 ha cà gai leo đến kỳ thu hoạch nhưng không được phía HTX thu mua, Giám đốc HTX Cà gai leo Yên Thủy, Bùi Quý Hợi cho biết, đợt dịch thứ 4 đã khiến cho HTX thiệt hại cả tỷ đồng vì không bán được sản phẩm. Do đó, việc thanh lý hợp đồng cho nông dân, xã viên là không thể.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi héc-ta trồng cà gai leo cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Thời điểm hiện tại, sản phẩm cà gai leo của HTX không bán được cho nên thu nhập của HTX, người nông dân gần như bằng không. Việc phá vỡ hợp đồng với người nông dân và các xã viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích vùng nguyên liệu của HTX không chỉ trước mắt mà còn cả trong tương lai khi dịch đã được khống chế. Không chỉ có sản phẩm cà gai leo gặp khó, tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, sản phẩm nhãn chính vụ cũng bị nghẽn về đầu ra do gặp khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ… nhiều thời điểm giá nhãn xuống dưới 10 nghìn đồng/kg, nông dân không có lãi.
Mô hình chăn nuôi gà tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Đăng Anh
Ðây cũng là khó khăn chung của nhiều HTX nông nghiệp trên cả nước. Do nguồn vốn, quy mô sản xuất nhỏ, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản còn thiếu bền vững, cho nên gặp đại dịch đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong bức tranh chung của các HTX, vẫn có những điểm sáng.
Có mặt tại HTX Tân Minh Ðức, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chúng tôi mới cảm nhận hết quyết tâm vượt khó của người dân nơi đây. Ðể không bị rơi vào cảnh trắng tay do dịch Covid-19, HTX đã quyết định chuyển toàn bộ 37 ha rau sạch theo hướng “giãn cách” các loại sản phẩm để không bị rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa”.
Bên cạnh đó, thời vụ các loại cây trồng cũng được thay đổi theo cách đẩy sớm thời vụ gieo trồng lên 15 đến 20 ngày hoặc làm chậm so với thời vụ 20 đến 30 ngày theo nguyên tắc không trùng với rau màu đại trà ở các vùng phụ cận. Nông dân HTX sẵn sàng phá bỏ hoa màu cuối vụ, không áp dụng hình thức tận thu nếu giá rẻ để gieo trồng vụ khác. Việc chuyển đổi cây trồng, chủ động về mùa vụ đã giúp người nông dân thắng lớn bằng giá góp phần nâng cao thu nhập, tạo sự hứng khởi và tăng thêm lòng quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình của người nông dân.
Cần giải pháp tổng thể
Theo Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật Hải Dương, Lương Thị Kiểm, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về phương tiện vận chuyển, xét nghiệm, chi phí lao động, chi phí nhân công và hàng loạt chi phí khác đồng loạt tăng theo như: Thức ăn chăn nuôi, giá giống, giá thuốc khiến cho nhiều HTX đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất.
Ðể hỗ trợ các HTX nông nghiệp, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập tổ công tác nhằm nắm bắt tình hình, sức khỏe các HTX nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các HTX. Phía Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ động hợp tác với Công ty DKG xây dựng sàn thương mại, tạo các tài khoản đưa sản phẩm thương mại của các HTX lên sàn; hiện nay, đã có khoảng hơn 200 HTX với hơn 500 mặt hàng như: Sầu riêng đã được xuất sang Nhật Bản và cà-phê được xuất sang Hàn Quốc.
Tại tỉnh Hòa Bình, nhiều giải pháp hỗ trợ HTX trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng đã được tỉnh đẩy mạnh thông qua hình thức trao đổi, lắng nghe ý kiến của các thành viên HTX. Tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng cung cấp thông tin về thị trường, tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn nghiệp vụ giúp các HTX xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Còn tỉnh Hải Dương, địa phương đã lập bản đồ nông sản để xây dựng kế hoạch hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các sàn thương mại điện tử, giúp HTX tiêu thụ nông sản.
Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều HTX ở Hải Dương đã tìm cách tự thích ứng thông qua giải pháp như sử dụng quỹ dự phòng để trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động; ứng dụng công cụ trực tuyến để quản trị; hỗ trợ người lao động phương tiện phòng, chống dịch bệnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Ông Hoàng Anh Thư, Giám đốc HTX Tân Minh Ðức cho biết, hiện HTX đã xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 55 nghìn m2, hộ nhiều nhất làm 8.000 m2 theo tiêu chuẩn châu Âu. HTX cũng đã đầu tư xây dựng kho lạnh có thể bảo quản hàng trăm tấn sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất. Nhờ tự thân vượt khó trong bối cảnh dịch dã, doanh thu của HTX Tân Minh Ðức năm 2020 đã đạt được kết quả khả quan với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng, tăng hai tỷ đồng so với năm 2019. Riêng tám tháng đầu năm 2021, doanh thu đã đạt khoảng 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những đơn vị thành công như HTX Tân Minh Ðức không nhiều, theo ông Nguyễn Tiến Ðịnh, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện có hơn 90% các HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ở mức 30 đến 40% doanh thu so với trước thời điểm có dịch. Dịch bệnh cũng khiến cho số HTX thành lập mới giảm từ 100 HTX/tháng xuống còn 30 đến 40 HTX.
Trước khó khăn của các HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đã đưa ra đề xuất, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khóa với lãi suất thấp (3%/năm). HTX cần được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, vay để trả kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Ðây không chỉ là nguồn lực giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các HTX mà còn tạo xung lực mới cho HTX tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Ðược biết, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Với nguồn lực mới này, tin rằng “sức khỏe” của các HTX nông nghiệp sẽ mỗi ngày một tốt hơn.
Theo Báo Nhân Dân