Gỡ khó để phát huy sản phẩm OCOP

03/11/2023 - 06:55

 - Những tiêu chí khắt khe, chặt chẽ giúp sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tạo được uy tín, niềm tin nơi người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá nhiều thủ tục, hồ sơ cũng khiến không ít chủ thể kinh tế e ngại tham gia OCOP. Cùng với đó là những khó khăn về vốn sản xuất, thiết kế mẫu mã, bao bì, tiếp cận thị trường. Nếu được hỗ trợ tháo gỡ, sản phẩm OCOP sẽ trở thành động lực phát triển nông thôn, nhất là các xã nông thôn mới.

Khai thác thế mạnh ngoài lúa

Huyện Thoại Sơn nổi tiếng là “vựa lúa” của “vựa lúa” An Giang. Tuy nhiên, trên những vùng canh tác lúa kém hiệu quả, huyện vẫn khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hỗ trợ hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP, khuyến khích khai thác đa dạng sản phẩm của địa phương.

Kết quả của những nỗ lực đó là huyện Thoại Sơn đã có được 15 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 2 sản phẩm được Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao - chuẩn quốc gia đến từ gạo là gạo Tiên Nữ và gạo Thiên Vương, đến từ Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn; 13 sản phẩm còn lại, gồm: Khô cá lóc Bảy Chóp, atiso sấy dẻo, trà mãng cầu, cóc sấy dẻo, chả sốt Mayonnaise, trà sâm đinh lăng, rượu sâm đinh lăng, nấm linh chi, bưởi da xanh, gạo An Bình 1, tàu hũ ky lá, khô cá lóc Đại Phát, rượu nho rừng Năm Mai; riêng sản phẩm tranh lá thốt nốt đã hết hạn, đang làm hồ sơ, thủ tục công nhận lại.

Những sản phẩm OCOP từ lợi thế địa phương của huyện Thoại Sơn

Theo đánh giá của UBND huyện Thoại Sơn, các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể kinh tế tăng quy mô sản xuất, tăng doanh thu, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của kinh tế hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã ở địa phương.

Từ kết quả này, UBND huyện vừa ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện, tổ giúp việc, quy chế hoạt động giai đoạn 2023 - 2025. Huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 có thêm 6 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao: Rau thủy canh, dưa lưới, lươn cắt khúc, thanh nhãn, mật ong, kim chi cải thảo.

Nhằm khắc phục tâm lý e ngại về thủ tục, hồ sơ OCOP, nhất là hồ sơ về an toàn thực phẩm, các ban ngành huyện và các xã, thị trấn sẽ tích cực phối hợp tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn; đưa Chương trình OCOP vào các kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; giao cán bộ theo dõi nhằm hỗ trợ các địa phương có sản phẩm hoạch định chiến lược “nâng tầm” sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng, cải tiến bao bì, nhãn mác; thực hiện quản lý, bán hàng trên các trang thông tin điện tử; kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị…

Gắn kết lợi thế du lịch

Trưởng phòng Kinh tế TX. Tịnh Biên Trần Hiếu Thuận cho biết, cùng với lợi thế du lịch, TX. Tịnh Biên còn có nhiều sản phẩm, ngành nghề truyền thống phát huy được tiềm năng, đặc sản địa phương, như: Các sản phẩm từ thốt nốt, dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, dược liệu, tinh bột huyền, các loại trái cây đặc sản núi Cấm… Toàn thị xã có 153 doanh nghiệp đang hoạt động, 1.062 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động nông thôn.

TX. Tịnh Biên xác định, Chương trình OCOP là giải pháp cần thiết để phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 3 năm qua, TX. Tịnh Biên đã tổ chức thành công 5 đợt đánh giá, phân hạng cấp thị xã, có 7 chủ thể kinh tế với 15 sản phẩm tham gia, đều đạt chứng nhận OCOP (6 sản phẩm 4 sao, 9 sản phẩm 3 sao).

Nhờ hoàn thiện chất lượng thông qua công tác đánh giá, phân hạng OCOP, các sản phẩm tiêu biểu, như: Đường thốt nốt bột, đường tán viên, nước màu thốt nốt... ngày càng có mặt nhiều hơn trên thị trường trong nước, tham gia vào các hệ thống phân phối lớn: Bách Hóa Xanh, BigC; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nga, Uzbekistan… Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi tư duy của các chủ thể trên địa bàn, chú trọng hơn đến khâu cải tiến máy móc, thiết bị, thay đổi bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng giá trị, thu hút người tiêu dùng.

TX. Tịnh Biên đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 100 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, trong đó có 50% sản phẩm OCOP, ít nhất 3 sản phẩm đưa vào hệ thống phân phối quốc gia. Để khắc phục khó khăn, hỗ trợ sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP, địa phương thực hiện rà soát, phân loại từng nhóm sản phẩm theo điểm mạnh, điểm yếu, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho từng nhóm.

Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực: Nhóm sản phẩm rau, củ, quả, hạt tươi (quýt hồng núi Cấm, dưa lưới, cây chúc, xoài VietGAP, trái hồng quân, su, sầu riêng núi Cấm...), nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ (đũa thốt nốt, tranh điêu khắc, cặp lộc bình thốt nốt, bình trà ủ ấm bằng thốt nốt...), nhóm sản phẩm dệt, may mặc (dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo), nhóm sản phẩm chế biến (mứt thốt nốt, mật nhụy hoa thốt nốt, lạp xưởng bò...).

Nhằm tạo động lực thúc đẩy các chủ thể kinh tế tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, cần hỗ trợ kết nối vào các các kênh tiêu thụ, như: Siêu thị Tứ Sơn, Bách Hóa Xanh, các kênh online (Tiki, Shopee, Lazada…); xây dựng hệ thống cửa hàng quảng bá sản phẩm OCOP gắn với khu, điểm du lịch để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

 

HOÀNG XUÂN