Biển Đông có vị trí địa chiến lược và tiềm năng kinh tế đặc biệt quan trọng, vì nằm trên tuyến đường hàng hải huyết mạch, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Châu Âu và Châu Á. Biển Đông còn chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế, đặc biệt là nguồn tài nguyên thủy sản, dầu khí và khoáng sản.
Với bờ biển dài hơn 3.200km và hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn đều gắn liền với biển, việc phát triển kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Đây còn là cửa ngõ trọng yếu trong việc mở rộng quan hệ giao thương quốc tế, địa bàn chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Biển, đảo Việt Nam đã trở thành một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà các thế hệ người Việt qua bao đời đã đổ mồ hôi, công sức và hy sinh xương máu để khai phá, xác lập, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Mới đây, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng tuyên bố chung DOC, đe dọa an ninh trên Biển Đông và khu vực.
Đợt triển lãm và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa tại huyện Châu Thành
Trước tình hình đó, việc sưu tầm, thẩm định và công bố các tư liệu, bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tăng cường tuyên truyền, đấu tranh dư luận, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là công việc hết sức ý nghĩa, cấp thiết.
Tại buổi triển lãm và trưng bày tư liệu ở đình thần Cần Đăng (huyện Châu Thành), Giám đốc Bảo tàng An Giang Hồ Thị Hồng Chi nhấn mạnh, những tư liệu, bản đồ, văn bản, ấn phẩm, hiện vật trưng bày là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được từ Việt Nam và một số nước trên thế giới, trong đó có cả Trung Quốc, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Mỗi buổi học, cô Châu Thị Bé Lam (Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học “A” Cần Đăng) tổ chức lần lượt cho các lớp đến nơi triển lãm nghe thuyết trình, tìm hiểu tài liệu. “Buổi triển lãm rất ý nghĩa và cần thiết cho học sinh tìm hiểu, học tập.
Bởi trên lớp học, các em sẽ ít có điều kiện tìm hiểu đầy đủ kiến thức về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là tiếp cận qua các tư liệu quý giá như thế này. Đa phần khi được hỏi, các em đều biết về 2 quần đảo của Việt Nam, nhưng các nội dung cụ thể và sâu hơn thì chưa nắm rõ.
Sau buổi tham quan, học tập tại đây, Liên đội trường đã có kế hoạch cho học sinh vẽ chủ đề biển, đảo và sử dụng những hình ảnh chất lượng của các em để triển lãm trong nội bộ, phục vụ học tập” - cô Châu Thị Bé Lam chia sẻ.
Tham gia luân phiên các đợt triển lãm đến các địa phương trong tỉnh, thuyết minh viên Nguyễn Thị Thắm cho biết, khi các đoàn, học sinh đến tìm hiểu, nhiệm vụ của chị là thông tin về các tư liệu, bằng chứng lịch sử, gồm: Tư liệu về văn bản, tư liệu về bản đồ, một số hình ảnh An Giang hướng về biển, đảo…
Mỗi ngày có rất nhiều đoàn là nhân dân, học sinh các trường học đến xem triển lãm. Trong đó, rất nhiều người tâm đắc với những tư liệu liên quan quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Đó là các văn bản Hán - Nôm, có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu của học giả nho giáo đương thời… Đây là các tư liệu tiêu biểu được lựa chọn trong hàng vạn tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm nhằm minh chứng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam.
Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tỉnh An Giang bắt đầu triển lãm và trưng bày tư liệu chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Sự kiện thu hút sự tham dự của các sở, ngành, đông đảo nhân dân, sinh viên, học sinh tìm hiểu.
Từ thời điểm đó, Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho tỉnh phân công trực tiếp Bảo tàng An Giang thực hiện triển lãm mỗi năm ở 2 huyện, thị xã, thành phố. Năm nay, công tác triển lãm đã thực hiện ở chặng cuối là huyện Châu Thành và TP. Châu Đốc.
Với hơn 150 tư liệu, hình ảnh và mô hình hiện vật được trưng bày triển lãm, sẽ góp phần thông tin, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân tỉnh An Giang nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua đó, xác định rõ hơn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống anh hùng, lòng yêu nước. Đồng thời, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
MỸ HẠNH