Gửi vẻ đẹp của sen và tranh

13/02/2024 - 03:46

 - Hoa sen với vẻ đẹp và hương thơm tinh khiết, được xem là loài hoa tiêu biểu đại diện cho tính cách, tinh thần của người Việt. Hoa sen cũng biểu hiện cho cốt cách và tinh thần thanh cao của người quân tử, luôn giữ lòng trong sạch dù ở giữa chốn bùn nhơ. Toàn bộ cây sen đều hữu ích cho đời sống con người: Củ và hạt để ăn; mầm, thân, rễ, lá, hoa… đều có thể dùng làm thuốc, làm trà.

Những lá sen khô trở thành sản phẩm nghệ thuật đẹp mắt

Sinh ra và lớn lên ở biên thùy, không phải ngay xứ sở của sen, nhưng chị Liên có lợi thế khi gia đình trồng sen rất nhiều năm để làm kinh tế. Những vụ sen nối tiếp với màu hồng của hoa, xanh mướt của lá, mang đến khung cảnh bình yên đến lạ.

Ngắm những cánh hoa đẹp mỏng manh chỉ khoe sắc vài ngày ngắn ngủi rồi tàn, kết thúc sứ mệnh cho gương sen phát triển, chị Liên khởi lên chút tiếc nuối. Có cách nào níu kéo vẻ đẹp ấy dài hơn không? Niềm trăn trở thôi thúc cô kỹ sư tìm hiểu về sen, từ sách, trên mạng đến các sản phẩm liên quan đã được làm từ sen trên cả nước. Gần nhất là bên tỉnh bạn - đất “sen hồng” Đồng Tháp không thiếu những tên tuổi và sản phẩm khởi nghiệp thành công với sen.

Bắt tay nghiên cứu từ nguồn nguyên liệu có sẵn tại nhà, quá trình hiện thực hóa niềm đam mê và kết quả từ thực tế không hề song hành dễ dàng như chị tưởng. Trở ngại và thách thức liên tục mở ra khi chị tìm cách giữ lại vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa này: Lá sen để tự nhiên rất dễ bị ẩm mốc, biến màu. Hoa sen sấy nóng hay sấy lạnh đều khó giữ được hiện trạng tự nhiên vốn có.

“Tay ngang” làm nghệ thuật, chuyên môn lĩnh vực thủy sản của chị Liên hầu như không liên quan đến hoa lá, cỏ cây... Nhờ kiến thức chung về ngành nông nghiệp, vận dụng hiểu biết về khoa học, quá trình tạo ra tranh sau nhiều lần thất bại đã giúp chị Liên thấu hiểu hơn nguyên liệu của loài thực vật thủy sinh này.

“Nguyện vọng ban đầu tôi muốn làm tranh từ hoa và lá sen. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, công nghệ để xử lý hoa sen khó khăn và tốn kém chi phí nên chỉ dừng lại thử sức với lá sen. Sau nhiều lần thất bại và kiên trì không ngừng, các tác phẩm tranh sen đã ra đời, đến tay nhiều khách hàng. Kinh nghiệm thuần thục giúp thời gian làm tranh của tôi rút ngắn hơn trước.

Dấu ấn tranh sen “Lien Lotus” từng bước tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, lắng nghe phản hồi để cải thiện chất lượng, đào sâu ý tưởng để “làm mới” sản phẩm. Chặng đường tiếp theo đặt ra đòi hỏi cao hơn, đó là tìm chỗ đứng cho tranh lá sen giữa thị trường rộng lớn và rất nhiều sản phẩm sen đã ra đời” - chị Liên chia sẻ.

Quá trình tạo ra lá sen khô làm nền tranh

Không có một công thức cố định nào cho quá trình làm, tất cả đều phụ thuộc cảm nhận, sự điều chỉnh của người làm trên từng chiếc lá. Cùng chọn chất liệu lá sen, chị Liên chỉ tuyển những lá “đủ ngày đủ tháng” đem về xử lý, tái tạo tế bào, tái tạo màu lá tự nhiên bằng màu thực phẩm sau khi đã được làm sạch, loại bỏ hết bùn, rêu.

Thời điểm hái sen phải từ 5 - 6 giờ sáng hoặc buổi chiều mát và chọn lọc những lá lành lặn hoàn hảo nhất. Từng lá sen có gam màu đậm nhạt khác nhau, bố trí vào khung sẽ thành các mẫu nền riêng biệt, nổi rõ đường gân nguyên vẹn.

Bản thân mỗi lá sen cho họa tiết khác nhau đã là sự độc đáo ngay từ cách bài trí nguyên liệu lên nền tranh. Công đoạn còn lại, chị Liên giao cho họa sĩ vẽ hoa, viết chữ thư pháp để hoàn thiện tác phẩm. Mất gần 1 năm để mày mò và chinh phục những lá sen thành sản phẩm nghệ thuật là thành quả mong đợi xứng đáng.

Anh Thanh Phong (họa sĩ phối hợp với chị Liên trong hành trình sáng tạo tranh sen) chia sẻ: “Khởi đầu, cái khó nhất là vẽ lên lá sen khô, làm sao cho nét vẽ lướt qua các đường gân lá được liền mạch hoàn hảo. Lúc mới thử sức trên nền chất liệu mới lạ này, tôi không để ý kỹ.

Nhờ có sự góp ý của những người yêu thích nghệ thuật và rút kinh nghiệm sau mỗi tác phẩm ra đời, càng về sau các bức tranh được gia công tỉ mỉ hơn, hoàn thiện hơn. Càng vẽ tôi càng thấy thích những sản phẩm được làm ra trên nền lá sen khô, bởi nó mang tính độc đáo trên thị trường và nâng cao thêm giá trị sản phẩm từ nông nghiệp”.

Bằng cách phối hợp ăn ý, thời gian qua, những bức tranh sen sống động liên tiếp ra đời, tỷ lệ thuận với yêu cầu đặt hàng của khách gần xa, đón nhận những lời khen tích cực. Là người có tính cẩn trọng, trước khi đưa ra thị trường, chị Liên nghiên cứu về các sản phẩm ở cùng lĩnh vực này. Mỗi nơi có một đặc điểm và hướng đi riêng để tiếp cận khách hàng, vì vậy chị hoàn toàn tự tin với sản phẩm của mình để phát triển kinh doanh.

Gần với tỉnh An Giang hiện có TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp; xa hơn thì có TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), TP. Hà Nội… Riêng dòng tranh trên lá sen khô vẫn rất ít thông tin.

Mặt khác, trên thị trường đã có tranh lá sen vẽ thư pháp, tranh từ nguyên liệu lá sen sấy khô, nên chị rất quan tâm để tạo nét riêng cho những “đứa con nghệ thuật” của mình. Đó là việc chọn lọc các câu thơ, chữ… kèm theo chi tiết minh họa chỉn chu. Bức tranh hoàn thiện sẽ được phủ lớp bảo vệ, đóng khung trang trọng.

“Sự khác biệt trong tranh lá sen của tôi so các sản phẩm đang có mặt trên thị trường là kết hợp vẽ hoa sen cùng nghệ thuật thư pháp cùng lúc. Mỗi bức tranh được thực hiện dựa theo ý tưởng của khách hàng hoặc cá nhân của tôi và họa sĩ. Cốt cách của sen là sự thanh tao, trong sáng thuần khiết, nên chi tiết thể hiện trong tranh phải toát lên được thông điệp đó. Nếu rộng đường phát triển, tương lai tôi sẽ làm thêm tranh phong cảnh, địa danh mang nét đặc trưng của tỉnh An Giang và tranh Phật giáo” - cô kỹ sư 8X tiết lộ.

Vì những ý nghĩa tốt đẹp và sự độc đáo, gần 30 bức tranh sen của chị Liên sáng tạo đã được đặt làm quà tặng, tranh treo trong dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm do ban, ngành, cá nhân trong và ngoài địa phương.

Nối tiếp thành công này, chị cho hay sẽ đăng ký kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ và đăng ký phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho địa phương. Tình yêu với hoa sen chưa dừng lại ở đó, khi chị đang theo đuổi những sản phẩm mới gắn liền với sen, chẳng hạn chiết xuất thành phần từ hoa sen để làm mỹ phẩm…

Yêu mến vẻ đẹp của hoa sen, cô kỹ sư nông nghiệp vùng biên Phạm Thị Diệu Liên (xã An Nông, TX. Tịnh Biên) đã dày công nghiên cứu, tạo ra dòng tranh độc đáo cho sen… “bất tử”. Tranh lá sen là tâm huyết khởi đầu trong số những khát vọng chị Liên muốn làm được từ loài hoa tinh khôi này.

MỸ HẠNH