Hà Nội bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù: Tạo sức sống lâu bền

30/11/2021 - 11:52

Hơn 11 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, di sản ca trù tại Hà Nội đã có nhiều khởi sắc với các câu lạc bộ, nhóm hát ca trù đã tăng lên.

Các nghệ sỹ Ca trù biểu diễn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Thủ đô Hà Nội được coi là trung tâm ca trù lớn nhất của cả nước. Từ khi ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc hồi sinh cho loại hình nghệ thuật này.

Sau hơn 11 năm được ghi danh, ca trù Hà Nội lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng và thành phố đang định hình là địa phương chuẩn mực về hát ca trù. Với vị trí là một trong những cái nôi lớn của di sản, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động bảo vệ, góp phần dần đưa di sản này ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Thành phố tiếp tục tạo môi trường thực hành, tôn vinh nghệ nhân, tài năng ca trù, xây dựng chế độ đãi ngộ nhằm bảo tồn, phát huy môn nghệ thuật quý.

Khởi sắc sức sống của ca trù

Ca trù đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Được đánh giá là nghệ thuật có trình độ cao, ca trù có tất cả các quy chuẩn mà hàng trăm năm nay người ta đã thừa nhận. Thủa xưa, các đào nương phải hát giọng “kim,” không được hát giọng “thổ,” bởi khi hát giọng “thổ” sẽ trùng với âm thanh cây đàn đáy. Giọng cao của các đào nương phải khác với thanh trầm của cây đàn đáy và giọng hát đó phải gieo phách lúc giòn, lúc rơi một cách tinh tế. Và còn rất nhiều những chuẩn mực khác tương tự như thế nữa.

Vào cuối thế kỷ 20, Hà Nội có những nghệ nhân là đỉnh cao của ca trù như Cụ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Kim Đức, Đinh Khắc Ban, Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Bản… Họ đều là những nghệ nhân bậc thầy với những lối hát khác nhau, mỗi người một phong cách nhưng đều giữ tất cả các nguyên tắc của ca trù.

Nếu trước kia, ca trù kén người hát, kén người nghe do đây là thể loại âm nhạc khó nhưng với giá trị quý nên số lượng các Câu lạc bộ, nhóm hát ca trù đã tăng lên. Năm 2017, Hà Nội có 14 nhóm, câu lạc bộ hát ca trù thì đến năm 2019 tăng lên 16 nhóm, câu lạc bộ với số lượng người thực hành, sinh hoạt khoảng 250-300 người.

Những năm qua, Hà Nội luôn nỗ lực để hồi sinh, phát triển nghệ thuật ca trù. Bên cạnh những cuộc hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị ca trù, ngành Văn hóa Hà Nội còn tổ chức các Liên hoan tài năng trẻ ca trù và đã có những hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho các câu lạc bộ hoạt động.

Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố có những hỗ trợ một phần kinh phí cho các câu lạc bộ, nghệ nhân truyền dạy ca trù cho lớp trẻ. Trong những ngày lễ lớn hay tại các sự kiện văn hóa, ngành Văn hóa Hà Nội luôn đưa nghệ thuật ca trù cùng các loại hình nghệ thuật dân gian khác vào biểu diễn, giới thiệu tới công chúng.

Các Câu lạc bộ ca trù trên địa bàn thành phố về cơ bản vẫn duy trì hoạt động, thực hành di sản thường xuyên theo lịch cố định. Đồng thời, việc tổ chức các lớp truyền dạy đàn hát ca trù, các làn điệu thể cách được thực hành với số lượng nhiều hơn và khó hơn.

Đặc biệt, ngoài các điểm biểu diễn cố định vẫn duy trì của giai đoạn trước, trong cộng đồng đã xuất hiện thêm một số điểm trình diễn định kỳ hoặc theo sự kiện như Cao Sơn trà quán, số 60S ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Đống Đa), là nơi xưa kia có nhiều ca quán hoạt động trong giai đoạn ca trù phát triển rực rỡ. Hay điểm biểu diễn Đêm Ả đào tại Bụt trà quán (Tòa S201 Vinhome Ocean Park-Gia Lâm), trong Lễ hội hoa Xuân tại khuôn viên Đại học VinUni, Vinhomes Ocean Park, huyện Gia Lâm...

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa của thành phố và các sự kiện văn hóa do các công ty tư nhân tổ chức đã đưa ca trù vào biểu diễn. Điều đó cho thấy, những thay đổi nhất định về nhận thức của cộng đồng, ý nghĩa của di sản trong giai đoạn hiện nay.

Ha Noi bao ton, phat huy nghe thuat ca tru: Tao suc song lau ben hinh anh 2

Chương trình biểu diễn Ca trù thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ và du khách nước ngoài-ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Quản lý Di sản-Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố là địa phương có số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước.

Với nghệ thuật trình diễn ca trù, hiện thành phố có 5 Nghệ nhân Nhân dân và 21 Nghệ nhân Ưu tú. Ở đợt xét Hồ sơ phong tặng lần thứ ba-năm 2021, Hội đồng cấp Bộ đã thông qua danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu với 3 Nghệ nhân Nhân dân và 7 Nghệ nhân Ưu tú. Họ là những người chủ nhiệm, những thành viên của các Câu lạc bộ yêu ca trù và mong mỏi gìn giữ nghệ thuật quý báu của dân tộc.

Bên cạnh việc học nghề, ca nương, kép đàn ngày nay còn phải biết xây dựng chương trình và liên hệ, tổ chức, tạo ra không gian diễn xướng hát ca trù để trình diễn, phân tích, giới thiệu, quảng bá... Một số cá nhân đại diện cộng đồng hát ca trù thành phố Hà Nội có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm đặc biệt đối với di sản này.

Vượt qua rào cản

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, điều kiện kinh tế và nhu cầu xã hội giảm sút dẫn đến tình trạng một số Câu lạc bộ hoạt động đã không còn thực sự hiệu quả, quy mô hạn chế như Câu lạc bộ ca trù Cầu Đơ, Câu lạc bộ ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Trung tâm UNESCO ca trù (quận Ba Đình). Nhóm ca trù của nghệ nhân, Nghệ sỹ Ưu tú Phó Thị Kim Đức hiện nay vẫn truyền dạy và sinh hoạt mang tính chất phạm vi nội bộ gia đình.

Nhiều nghệ nhân đã qua đời do tuổi cao sức yếu. Từ năm 2018 đến năm 2021, hai nghệ nhân đã qua đời, trong đó, có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Mùi (Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà); một nghệ nhân đề xuất xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đã được Hội đồng cấp Bộ xét thông qua là nghệ nhân Hồ Văn Hiền (Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu). Nhiều nghệ nhân còn lại đều đã cao tuổi, sức yếu, khả năng truyền nghề không còn được như trước do giảm sút về thể trạng và trí nhớ.

Các thế hệ bậc thầy đi qua, nhiều người lo rằng căn gốc của ca trù khó được giữ đúng quy chuẩn. Nhưng thực tế, sau một thời gian thăng trầm của ca trù, trước khi nhiều nghệ nhân ra đi đã kịp truyền dạy cho một số người trẻ có tâm huyết. Bởi vậy, Hà Nội vẫn còn những ca nương, kép đàn giữ được những lối hát cũ, đảm bảo các quy chuẩn nhất định.

Ha Noi bao ton, phat huy nghe thuat ca tru: Tao suc song lau ben hinh anh 3

Ca nương Câu lạc bộ Ca trù Phú Thị (huyện Gia Lâm) dạy nghệ thuật ca trù cho du khách tại phố cổ Hà Nội, tháng 9/2020. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Dù đã có những khởi sắc hơn so với giai đoạn trước, song đa số thế hệ trẻ trong các làng xã, Câu lạc bộ không mấy mặn mà, ít quan tâm, hứng thú khi tiếp cận và học hát ca trù. Do biến đổi của xã hội, nhu cầu thực tế, các ca nương cũng không thể đảm bảo cuộc sống nếu chỉ theo nghề hát ca trù.

Lượng khán giả quan tâm, yêu thích hát ca trù tuy có tăng lên, song hát ca trù vẫn tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc hiện đại, văn hóa du nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, đặc thù nghệ thuật này quá uyên thâm, bác học nên số người hiểu, người nghe và người thích như đối với một số loại hình nghệ thuật biểu diễn khác là rất khiêm tốn.

Vượt qua những trở ngại đó, tùy vào điều kiện và khả năng của các địa phương, các giáo phường, Câu lạc bộ đều chung tay cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội góp phần bảo tồn hát ca trù với những biện pháp bảo vệ khác nhau.

Về cơ bản, các Câu lạc bộ vẫn tự chủ động, độc lập trong việc lựa chọn phương thức, thực hành bảo tồn di sản tại Câu lạc bộ và địa phương mình. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tạo cơ chế, hỗ trợ các câu lạc bộ trong quá trình tuyên truyền, truyền dạy, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như của thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao cho Sở là đơn vị chủ trì, thực hiện các Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội.

Kế hoạch được xây dựng hàng năm, triển khai xuống các quận, huyện có các câu lạc bộ ca trù và nghệ nhân đang hoạt động, từ đó địa phương triển khai xuống từng xã phường, tạo điều kiện để các Câu lạc bộ hát phục vụ nhân dân trong vùng và tham gia các cuộc giao lưu liên hoan. Cùng với đó, các địa phương quản lý, giữ gìn một số hiện vật gắn liền với di sản hát ca trù, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ sinh hoạt tại các di tích.

Ý thức được vai trò, vị trí của mình trong việc gìn giữ và góp phần đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, bằng những nỗ lực không ngừng, các nghệ nhân nắm giữ di sản hát ca trù ngày càng tâm huyết trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản quý báu này. Họ đều là những hạt nhân quan trọng trong các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn thành phố, tích cực truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ, từng bước đưa nghệ thuật này khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp./.

Theo Vietnam+