Chiến lược của chính phủ Hàn Quốc đối với 6G bao gồm ưu tiên phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo, đảm bảo các bằng sáng chế tiêu chuẩn và giá trị gia tăng cao, đồng thời xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) và công nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến đầu tư tổng cộng 200 tỷ won (169 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2026 để phát triển công nghệ 6G cơ bản.
Ban đầu, chính phủ sẽ thúc đẩy 10 nhiệm vụ chiến lược trong 6 lĩnh vực chính bao gồm siêu hiệu suất, siêu băng thông, siêu chính xác, siêu không gian, siêu thông minh và siêu tin cậy để bảo mật trước cho công nghệ thế hệ tiếp theo. Mục tiêu là đạt được tốc độ truyền dữ liệu 1 terabyte / giây trong mạng 6G, tức là nhanh hơn 5 lần so với các dịch vụ di động 5G và sẽ giảm thời gian trễ xuống 1/10 so với các dịch vụ 5G.
Hàn Quốc sẽ triển khai thử nghiệm mạng 6G vào năm 2026
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm các dịch vụ 6G vào năm 2026 với 5 lĩnh vực chính bao gồm: nội dung nhập vai trong chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, ô tô tự lái, thành phố thông minh và nhà máy thông minh. Theo kế hoạch sẽ cung cấp thương mại 6G ở Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2028 đến năm 2030.
Theo sách trắng có tựa đề “Trải nghiệm siêu kết nối thế hệ tiếp theo cho tất cả mọi thứ” do Samsung Electronics phát hành vào tháng 7/2020 cho biết, các mạng 6G ban đầu có thể được triển khai vào năm 2028, trong khi việc thương mại hóa hàng loạt công nghệ này sẽ diễn ra vào năm 2030. Sách trắng cũng đã phác thảo các khía cạnh khác nhau liên quan đến 6G, bao gồm các xu hướng lớn về kỹ thuật và xã hội, các dịch vụ mới, các yêu cầu cần thiết, các công nghệ tiềm năng và thời gian dự kiến tiêu chuẩn hóa.
Samsung định nghĩa ba loại yêu cầu phải được đáp ứng để hiện thực hóa các dịch vụ 6G đó là yêu cầu về hiệu suất, kiến trúc và độ tin cậy, trong đó yêu cầu hiệu suất 6G là tốc độ dữ liệu cao nhất là 1.000 gigabit mỗi giây và độ trễ dưới 100 micro giây. Như vậy dự kiến tốc độ mạng 6G sẽ nhanh gấp 50 lần tốc độ dữ liệu cao nhất của mạng 5G và độ trễ bằng 1/10 độ trễ của mạng 5G.
Samsung cũng nhấn mạnh rằng các yêu cầu kiến trúc của mạng 6G bao gồm giải quyết các vấn đề phát sinh từ khả năng tính toán hạn chế của thiết bị di động cũng như triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngay từ giai đoạn đầu phát triển công nghệ và cho phép tích hợp linh hoạt các thực thể mạng mới.
Báo cáo cũng giới thiệu các công nghệ tiềm năng có thể cần thiết để đáp ứng các yêu cầu cho mạng 6G, bao gồm băng tần số terahertz, ăng ten mới, công nghệ song công tiên tiến, cấu trúc liên kết mạng tiên tiến, chia sẻ phổ tần để tăng hiệu quả sử dụng tần số và công nghệ vô tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Samsung Research, bộ phận nghiên cứu và phát triển của bộ kinh doanh của Samsung, đã nghiên cứu về 6G kể từ tháng 5 năm ngoái, bằng cách thành lập một nhóm nghiên cứu riêng biệt có tên là Trung tâm nghiên cứu truyền thông tiên tiến.
Vào tháng 1 vừa qua, công ty viễn thông Nhật Bản NTT DoCoMo cho biết họ đặt mục tiêu ra mắt công nghệ 6G thương mại vào năm 2030. Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch đưa ra một chiến lược toàn diện liên quan đến mạng truyền thông di động 6G trong tương lai.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã chính thức bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G vào tháng 11 năm ngoái. Theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc, các cơ quan thuộc chính phủ và viện nghiên cứu đã có các cuộc họp ban đầu với mục đích thành lập nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết sẽ thành lập hai nhóm công tác để thực hiện các hoạt động nghiên cứu 6G.
Phần Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu nghiên cứu các công nghệ 6G trong tương lai.
Theo PHAN VĂN HÒA (Vietnamnet)