Hàng Tết lưu động

15/01/2018 - 07:44

 - Mỗi năm, người dân vùng nông thôn thích chờ đợi những chuyến xe lưu động bán hàng hóa Tết. Len lỏi về các ngõ, ngách vùng quê, xe lưu động đáp ứng nhu cầu của người mua vì phục vụ tận nơi, giá cả phải chăng.

Từ xưa, hàng lưu động được xem là tín hiệu nhận biết Tết về, gắn với hình ảnh quen thuộc là những tràng pháo hồng, vô số bánh kẹo, những chiếc chiếu mới, câu liễn, chậu hoa nhựa… Dù hiện nay đã có siêu thị, chợ, phương tiện đi lại thuận lợi, thói quen mua hàng lưu động của người nông thôn vẫn không thay đổi. Nhu cầu tân trang nhà cửa, sắm sửa để không gian đẹp hơn, đầy đủ hơn trong năm mới giúp các mặt hàng nệm, tranh trang trí, hoa kiểng và vật dụng gia đình luôn được tiêu thụ mạnh.

Người dân thích chờ những chuyến xe đầy ắp hàng để chen chân lựa chọn, nào là thau, thùng, bộ nồi, bếp cho đến hàng tá vật dụng linh tinh. Chiếc xe máy chỉ cần “cải tiến” thêm mảnh gỗ hoặc khung sắt là trở thành “tiệm tạp hóa di động”. Khá giả hơn, nhiều người còn sắm xe bán tải, xe tải chuyên chở mặt hàng lớn và số lượng nhiều.

Chị Kim Ngọc ở làng nghề may mùng, mền Bình Hòa (Châu Thành) cho biết, từ tháng 11 (âm lịch) đã có hàng chục cơ sở chạy xe tải đi khắp vùng nông thôn bán nệm, gối, mùng, mền các loại. Nhờ chịu khó với thị trường nhỏ lẻ này, mỗi chuyến đi từ 2 - 3 ngày kiếm lời hơn chục triệu đồng. Hiện nay, hầu hết cơ sở tại làng nghề đều trang bị máy móc hiện đại, tự sản xuất sản phẩm chất lượng không thua kém hàng công ty, giá bán phải chăng, mẫu mã rất phong phú, phù hợp nhu cầu và túi tiền người dân. Ưu điểm của bán lưu động là phục vụ tận nơi, sau mỗi chuyến đi các cơ sở còn kết nối thêm mối làm ăn, trao đổi giúp người mua chủ động đặt hàng trong lần kế tiếp.

Bán hàng lưu động cũng là hình thức được các làng nghề truyền thống lựa chọn để phân phối hàng rộng rãi đến nhiều nơi. Không phải đi xa, người dân vẫn mua được sản phẩm chất lượng và có tiếng trong tỉnh như: tranh kiếng Long Giang, dao kéo Phú Mỹ, lò đất Phú Thọ, cho đến sản phẩm làng nghề ngoài tỉnh như: chổi lông gà Bình An, chiếu Định Yên (Đồng Tháp), gốm Bình Dương…

Vất vả, lăn lộn với khói xe, bụi đường, lệ thuộc vào sản phẩm mà người bán kiếm được đồng lời nhiều hoặc ít. Anh Nguyễn Tấn Tài (Chợ Mới) với chiếc xe thồ tranh kiếng cho biết, 1 ngày anh chở khoảng 6 đến chục bộ tranh tùy theo lớn nhỏ, thông thường bán hết một nửa số lượng, có hôm “trúng mánh” bán hết sạch. Ngoài ra, anh còn nhận đổi tranh cũ đem nguyên liệu về tái chế và chỉnh sửa, cắt kính, thay khung tranh theo yêu cầu.

Hàng Tết lưu động

Những mặt hàng như: đồ gia dụng bằng nhựa, cây giống, hoa kiểng thông thường có giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giúp người bán có thu nhập khá nhờ nhu cầu tăng mạnh ở thời điểm này. Các loại cây con ở Chợ Mới, Phú Tân, An Phú từ lâu đã được khẳng định uy tín chất lượng, từ cây màu như: bầu, bí, ớt đến cây lâu năm như bạch đàn, sầu đâu đều được đón mua rất xôm tụ. Gần đây, người dân còn hiếu kỳ với những chiếc xe chở hàng thủ công mỹ nghệ từ Campuchia xuất hiện cả ở thành thị. Phổ biến là sản phẩm cóc tài lộc, tượng ông Thọ, tượng Thần Tài, cá rồng điêu khắc bằng gỗ.

Dù không rõ về nguyên liệu, cũng không giao tiếp nhiều với người bán nhưng khách hàng tỏ ra thích thú với sản phẩm này. Giá trung bình một cặp cóc tài lộc 400.000 đồng, các loại tượng lớn hơn dao động từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng. Phần lớn là hộ kinh doanh rất chuộng trưng vật phong thủy nên việc ngả giá diễn ra nhanh chóng, sau thỏa thuận, sản phẩm được đánh bóng lần nữa và sơn màu.

Thói quen mua hàng lưu động của người dân, nhất là tại vùng nông thôn không chỉ là một nhu cầu, mà còn là sở thích, là niềm vui khi quây quần bên nhau chọn lựa những món đồ mới cho gia đình. Sự tiện lợi của hàng lưu động giúp người mua có nhiều lựa chọn, tiết kiệm thời gian và hàng trăm chuyến xe tỏa đi tận vùng sâu vùng xa vẫn có cơ hội kiếm tiền, mở rộng thị trường.

MỸ HẠNH