Hãng tin AFP: 163.930 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu, 6.420 ca tử vong

16/03/2020 - 14:09

Hãng tin AFP tổng hợp các nguồn tin chính thức thống kê đến 12h đêm 15-3 theo giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu là 163.930 người và 6.420 ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến ở vùng Lombardy, Italy ngày 13-3-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Số liệu trên tổng hợp các dữ liệu từ nhà chức trách y tế các nước và thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo đó, trong vòng 24 giờ (từ 12h đêm 14-3 đến 12h đêm 15-3 theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có thêm 653 người tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 và 12.153 người nhiễm mới, trong đó số ca nhiễm mới ngoài Trung Quốc là 10.955. 

Với 9 nước và vùng lãnh thổ xác nhận ca nhiễm đầu tiên, hiện 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân COVID-19. Trong đó, Trung Quốc đã ghi nhận 80.844 ca nhiễm và 3.199 ca tử vong. Toàn châu Á đã ghi nhận 91.973 ca nhiễm và 3.320 ca nhiễm. Châu Âu đã ghi nhận 52.407 ca nhiễm và 2.291 ca tử vong. Trung Đông ghi nhận 15.292 ca nhiễm và 738 ca tử vong.

Đặc biệt, tại châu Âu, trên 50 nước đã ghi nhận có có bệnh nhân COVID-19. Các quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất có trên 1.000 ca nhiễm gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Thụy Sĩ và Anh. Trong đó, Italy với 1.809 ca tử vong và 24.747 ca nhiễm, là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ngoài Trung Quốc. Tiếp theo là Iran với 724 ca tử vong và 13.938 ca nhiễm; Tây Ban Nha với 288 ca tử vong và 7.753 ca nhiễm; Pháp với 91 ca tử vong và 4.499 ca nhiễm.  

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường tại châu Âu, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer  tuyên bố nước này sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới với các nước Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Luxemburg và Đan Mạch kể từ ngày 16-3. Theo đó chỉ những công dân Đức và những người có giấy phép cư trú mới được phép vào Đức; những người không có lý do chính đáng và những người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 không được phép qua biên giới. Ông Horst Seehofer cho biết những biện pháp trên là tạm thời và sẽ được đánh giá lại phụ thuộc vào từng thời điểm. Ông Horst Seehofer nhấn mạnh dịch COVID-19 chưa qua giai đoạn đỉnh điểm, vì vậy người dân cần tránh tụ tập đông người.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Viện Robert Koch, chịu trách nhiệm về y tế cộng đồng của Đức, tuyên bố khu vực biên giới Pháp Alsace - Lorraine là vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, các quan chức Pháp và Đức cho biết chưa thực hiện đóng cửa biên giới triệt để, theo đó vẫn cho phép một số người và buôn bán nhỏ lẻ qua lại. Cảnh sát trưởng Đức Dieter Romann cho biết hiện Đức mới chỉ áp dụng đóng cửa hoàn toàn với 5 nước. 

Cho đến nay Đức ghi nhận 4.838 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 12 ca tử vong.

Ngày 15-3, Chính phủ Croatia đã quyết định tăng cường các biện pháp hạn chế nhập cảnh nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các biện pháp mà Chính phủ Croatia đưa ra bao gồm cách ly tập trung 14 ngày đối với người nước ngoài đến từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc; Italy; vùng Heinsberg thuộc bang North Rhine-Westphalia của Đức; thành phố Daegu và quận Cheongdo của Hàn Quốc; Iran.

Chính phủ Croatia cũng yêu cầu cách ly tại gia đối với tất cả những người đến từ 66 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kể cả công dân Croatia.

Theo phương tiện truyền thông tại Croatia, chi phí cách ly tập trung do người được cách ly tự chi trả. Người nước ngoài thuộc diện cách ly tại gia sẽ bị từ chối nhập cảnh và trục xuất nếu không tuân thủ quy định. Công dân Croatia vi phạm sẽ bị phạt nặng hoặc truy tố.

Hiện Croatia đã ghi nhận 49 trường hợp mắc COVID-19 và trên 500 người đang chờ kết quả xét nghiệm. Chính phủ Croatia đã quyết định đóng cửa tất cả các trường đại học, trung học và tiểu học trên toàn quốc trong vòng 2 tuần kể từ ngày 16-3 và khuyến khích tất cả các địa phương ra quyết định đóng cửa nhà trẻ.        

Theo Báo Tin Tức