Đưa vai trò trung tâm về cho học sinh
Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện, giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời. Chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và các nghị quyết của Quốc hội, từ tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, định hướng mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp.
Đặc biệt, nội dung chương trình có sự linh hoạt, tích hợp, có phân hóa và liên thông giữa các cấp học; thay đổi vai trò của người giáo viên từ trung tâm trở thành người tổ chức, hướng dẫn; học sinh làm trung tâm. So với chương trình trước đây, yêu cầu về kiến thức có phần nhẹ hơn, những vấn đề khó, hàn lâm được giảm bớt. Khi tăng tính thực hành, các nội dung mới (xác suất, thống kê) được đưa vào phù hợp. Một số môn học được tiếp cận đầy đủ, hấp dẫn (tin học, công nghệ…). Nội dung giáo dục địa phương giúp học sinh hiểu về nơi mình đang sinh sống và học tập.
Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 2 Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP. Long Xuyên) áp dụng Chương trình GDPT 2018 đối với khối lớp 6 và 7 (gần 1.000 học sinh). “Thuận lợi khi áp dụng là chương trình được biên soạn theo hệ thống chủ điểm, chủ đề. Các chủ đề mang tính thực tiễn cao, dễ vận dụng, gần gũi, quen thuộc. Chủ đề và nội dung bài học được biên soạn phù hợp với tâm sinh lý học sinh ở độ tuổi thiếu niên. Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, tranh luận với các tổ khác trong tiết học” - cô Ngô Thị Ngọc Cúc (Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt) nhận xét.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Thị Ngọc Diễm, thuận lợi khác của An Giang là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Việc sắp xếp vị trí việc làm và chuẩn hóa các chức danh tiếp tục được ngành chỉ đạo triển khai ở hầu hết cấp học. Từ cuối năm học 2014 - 2015, cùng với sự đầu tư của tỉnh và của Trung ương, An Giang tập trung điều chỉnh hợp lý mạng lưới trường, lớp học, trong đó đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp kiên cố hóa, chuẩn hóa; từng bước xóa dần và sáp nhập các điểm lẻ vào điểm chính.
“Vượt sóng” trong hành trình
Thực hiện Chương trình GDPT 2018 chắc chắn vấp phải khó khăn, bởi điều kiện kinh tế - xã hội và các nguồn lực của tỉnh hạn hẹp, khiến việc thực thi một số nội dung chưa thể làm ngay, phải có lộ trình thời gian (cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu). Trong giai đoạn ban đầu hiện nay, đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT phải thích ứng, linh hoạt, nhạy bén; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, để đáp ứng ứng yêu cầu “1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Học sinh phải tự học nhiều hơn, biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình, trong khi một số học sinh chưa quen với việc chủ động học tập.
Điều băn khoăn nhất là, định mức giáo viên từng cấp học ở cơ sở giáo dục công lập vẫn còn thừa, thiếu cục bộ. Bà Trần Thị Ngọc Diễm thông tin: “Nếu so quy định của Bộ GD&ĐT, tỉnh An Giang còn thiếu 961 giáo viên các cấp học. Yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 làm phát sinh tình trạng một số giáo viên đơn môn thừa, trong khi thiếu giáo viên dạy tích hợp, dạy Nghệ thuật, tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và một số vị trí nhân viên hỗ trợ phục vụ (do không có nguồn tuyển và chế độ đối với nhân viên còn thấp)”.
Một tình trạng khác là thiếu trang thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học; sách giáo khoa, sách giáo viên cung cấp chậm. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thơ (Hiệu trưởng Trường Phổ thông thực hành sư phạm, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Thiếu đồ dùng dạy học, giáo viên chủ yếu tải hình ảnh hoặc chụp lại từ sách giáo khoa để trình chiếu cho học sinh. Mặt khác, sách giáo khoa không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh, phụ huynh vất vả khi tìm mua nhiều nơi”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, sau thời gian thực hiện Chương trình, bài học kinh nghiệm được tỉnh rút ra. Đó là phải tranh thủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa phương; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của giáo viên, đi đôi với việc giáo viên được tự chủ chuyên môn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục. Các lớp với những điều kiện khác nhau có thể thực hiện chương trình theo kế hoạch khác nhau, điều chỉnh tùy vào nhận thức của học sinh…
“Nhìn lại hành trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngoài nỗ lực “vượt sóng” của tỉnh, An Giang cần tiếp sức từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT. Tỉnh kiến nghị cơ quan thẩm quyền tiếp tục phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, tạo hành lang pháp lý nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề nghị Trung ương điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học; hướng dẫn tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên 2 bộ môn này, để thu hút và giữ chân họ gắn bó với giáo dục tiểu học” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nêu ý kiến.
VẠN LỘC